Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

15 LÒNG CHA (CAO CAO DÁNG NÚI)


LÒNG CHA
Thơ văn xưa nay hầu như thường dành nhiều chỗ ca ngợi tấm lòng người mẹ mà ít khi nói về tấm lòng người cha. Phải chăng tại cha không biết thương con? Hay bởi cha thương con ít hơn mẹ? Hay do chính con có khi đã chẳng nhận ra được ở cha tình yêu thương ẩn giấu? Ngắn gọn, nhẹ nhàng nhưng truyền cảm sâu xa, câu chuyện của ERMA BOMBECK (1927-1996) là một bông hồng dâng lên bố.
*
Bố đúng là chẳng biết biểu lộ lòng thương yêu trìu mến. Chính mẹ mới là người gắn bó cả nhà lại với nhau. Ngày ngày bố chỉ việc đi làm rồi về nhà và mẹ thường có một bản liệt kê những lỗi lầm của chúng tôi và bố hay la rầy chúng tôi về những lầm lỗi ấy.
Có lần tôi lấy trộm một thanh kẹo, bố bắt tôi phải đem trả lại, và tôi còn phải thú thực với người chủ tiệm, phải chuộc lỗi đó bằng cách phụ giúp chủ tiệm khui mở các thùng đựng hàng. Nhưng chính mẹ mới hiểu được rằng tôi chỉ là một đứa trẻ con.
Có lần tôi gãy chân trên chiếc đu ở sân chơi và chính mẹ là người ẵm tôi trên suốt quãng đường đưa tới bệnh viện. Bố lái xe hơi tới đúng ngay cửa phòng cấp cứu và khi người ta yêu cầu bố phải đem xe ra chỗ khác vì nơi đó dành cho xe cấp cứu thì bố hét toáng cả lên: “Mấy người tưởng đây là cái gì hả? Xe buýt du lịch sao hả?”
Trong các tiệc sinh nhật của tôi, bố dường như không thích hợp cho lắm. Bố chỉ cứ bận bịu thổi mấy quả bong bóng, bày biện bàn ăn, và chạy việc lặt vặt. Chính mẹ là người mang vào ổ bánh cho tôi thổi tắt mấy cây nến cắm trên đó.
Khi tôi lật nhanh qua những tập ảnh lưu niệm, người ta luôn hỏi tôi: “Bố chị trông như thế nào?” Ai biết nhỉ? Bố lúc nào cũng siêng cầm máy ảnh chụp hình cho người này người khác. Tôi có được vô số tấm hình chụp chung với mẹ và cả hai mẹ con đều tươi cười.
Còn nhớ khi mẹ bảo bố tập cho tôi cỡi xe đạp. Tôi dặn bố đừng bỏ tay ra, nhưng bố bảo tới lúc phải buông ra rồi. Tôi ngã và mẹ chạy tới nâng tôi dậy, nhưng bố khoát tay bảo mẹ lui ra. Tôi giận điên lên và tỏ rõ thái độ cho bố biết. Tôi thót ngay lên xe và tự mình đạp. Vậy mà bố chẳng biết ngượng. Chỉ mỉm cười.
Khi tôi vào đại học, mọi thư từ đều một tay mẹ viết. Bố chỉ gởi cho mấy tấm séc và một mẩu giấy cỏn con nói rằng lúc này bồn cỏ của bố mới tuyệt làm sao vì lẽ tôi không còn đá banh trên đó nữa.
Mỗi khi tôi gọi điện thoại về nhà, bố làm như thể bố muốn nói chuyện đấy, nhưng rồi lại luôn luôn bảo: “Để bố đi gọi mẹ con nhé.”
Ngày tôi lấy chồng, chính mẹ đã khóc. Bố chỉ có xì mũi lớn tiếng và ra khỏi phòng.
Suốt đời tôi, bố luôn luôn bảo: “Con đi đâu đấy? Mấy giờ con về nhà? Không được, con không đi được đâu.” Bố đúng là chẳng biết cách bày tỏ lòng thương yêu... trừ khi...

Có thể nào là bố đã bộc lộ tình thương mà tôi lại không nhận biết được lòng thương yêu ấy chăng?
Huệ Khải
Tháng 2-1992
Theo Erma Bombeck, A Father’s Love, 1980.