Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

30 TẶNG VẬT QUÝ GIÁ (AI ĐO LÒNG BIỂN)


TẶNG VẬT QUÝ GIÁ
Tuổi thơ nào không thích nghe kể chuyện? Cha mẹ nào chưa từng một lần chia sẻ cùng trẻ nỗi hân hoan, lòng háo hức khi trẻ được người lớn ngồi bên kể chuyện? Kể chuyện hay đọc truyện như thế nào lại là một nghệ thuật. Biết cái nghệ thuật đó và biết trân trọng duy trì nó trong những năm thơ dại của trẻ là biết mang đến cho trẻ một tặng vật quý giá. Những câu chuyện thuở ấu thơ sẽ in dấu suốt đời con trẻ cả cho đến lúc chúng đã trưởng thành.
Câu chuyện của nhà báo RALPH KINNEY BENNETT gợi ý cho những ai làm cha làm mẹ nhận thức được ảnh hưởng quan trọng của những giờ phút kể chuyện bên con. Đó là những khoảng thời gian quý giá vô vàn, vậy mà có khi người lớn vì những bận bịu lo toan đời thường đã dễ dàng tìm được ít nhiều lý do để có thể an tâm lẫn tránh.
*
“Thôi nào các con, tới giờ đi ngủ rồi.” Thế là Roger và tôi, anh em sanh đôi, lại chạy ùa lên lầu để tròng vô bộ đồ ngủ. Má thường lên tới nơi với mấy cuốn sách cặp nách. Sau khi đọc kinh, chúng tôi nghiêng người chỏi lên khuỷu tay, trong lúc má ngồi ở cạnh giường. Giờ đây tôi vẫn nhìn thấy má nhẹ nhàng, lặng lẽ lần giở trang sách, má hít vô một hơi dài rồi bắt đầu đọc truyện.
Trong những đêm thần tiên ấy chúng tôi không đoán biết được mình sẽ gặp những nhân vật nào. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã ngồi bên cạnh má, dõi theo những nét chữ màu đen nhỏ xíu trên những trang sách trong khi giọng kể của má biến chữ nghĩa trở thành những hình ảnh rõ ràng sáng sủa…
Đến khi hai anh em tôi bắt đầu cắp sách đến trường, chúng tôi biết đọc. Chúng tôi theo hai nếp sinh hoạt văn chương. Ban ngày chúng tôi đọc những cuốn sách giáo khoa nhạt nhẽo trong đó có những đứa con trai con gái mặt mũi rám nắng nhồi banh trong những khoảnh sân chơi sạch sẽ gọn gàng, đi thăm những trại nuôi bò sữa và tán chuyện cùng các ông cảnh sát tươi cười. Ban đêm, giống như các ông hoàng xa xưa ôm cằm mê say nghe người kể chuyện của cung đình phục vụ, chúng tôi vui sướng ngập tràn trong lúc má đọc truyện… Và với từng chỗ ngắt quãng, lúc lên bổng xuống trầm, khi đọc diễn cảm, má đã dạy chúng tôi biết cách làm cho chữ nghĩa lên tiếng khóc cười hay khiến mình phải nhăn trán nghĩ suy.
Đến khi chúng tôi lên tám lên chín, những truyện đọc trước giờ đi ngủ đã trôi qua. Chúng tôi có những chồng sách của riêng mình. Vào buổi tối chúng tôi thường làm bài ở cái bàn ăn phủ lớp vải dầu trong nhà bếp cho đến lúc má với sách trong tay đi đến, bảo chúng tôi dừng lại. Má thường nói: “Các con hãy nghe này!” Công việc ở trường sẽ được bỏ qua một bên, và chẳng mấy chốc chúng tôi lại cười vui khi nhoài cả người trên ghế lắng nghe má đọc…
Năm tháng trôi qua, hai anh em tôi lớn lên, xa nhà vào đại học, rồi đi làm. Tôi thành phóng viên cho một nhật báo, Roger làm giảng viên Anh ngữ. Trước kia má chỉ mới học hết bậc trung học, nhưng sự giáo dục ở nhà trường chỉ là một phần nhỏ nhoi so với vốn liếng học thức má có được qua việc đọc sách. Má đã từng làm thơ ký, thợ giặt, đi đến từng nhà để chào bán mỹ phẩm, nấu ăn cho trường học, và giữ sổ sách kế toán cho một cửa hàng bán phụ tùng xe hơi. Cuối cùng má cũng theo chân tôi bước vào nghề báo. Má nhận một chân đọc và sửa bản in thử cho một loạt các tuần báo và rồi thăng tiến lên làm biên tập viên cho một tuần báo trong thị trấn chúng tôi.
Sau này má bị bệnh tiểu đường. Cuối cùng xảy ra nhiều tai biến. Giờ đây má là một phế nhân, mái tóc bạc phơ, không thể rời xa cái giường hay chiếc ghế. Giọng má nói bây giờ chậm và thiếu quả quyết, má gần như lòa rồi. Tuy nhiên tâm trí má vẫn sáng suốt như xưa. Lòng tín thành và nhẫn nại của má trải qua tất cả cảnh ngộ này vẫn oanh liệt hào hùng như bất kỳ những gì má đã từng đọc cho tôi.
Giờ đây niềm vui của tôi là đọc truyện cho má. Tôi thường gọi điện thoại hẹn: “Má ơi, mai con về nhé.” Tôi nghe thấy má cố ráng một chút trong cuộc nói chuyện đường dài: “Ồ, con ơi! Vậy thì hay quá!”
Tôi lái xe ba tiếng đồng hồ với một chồng sách ở băng sau, trong đó có mấy cuốn cũ mèm mà hồi xưa má đã đọc cho tôi. Khi tôi về tới nhà, má đang ngồi cạnh giường, hai bàn tay chắp lại. Hai má con trò chuyện. Rồi lặng đi một thoáng, má hỏi, giọng đứt quãng: “Con mang ... gì về?”
Đôi khi tôi đọc vài bài thơ chính má sáng tác, đăng trong các tập in hàng năm của một hội thơ ở địa phương chúng tôi. Đôi lúc là một chương trong Kinh Thánh hoặc mấy bài báo tôi viết.
Không có gì vui sướng bằng nghe má cười với những truyện mà hơn bốn mươi năm trước đã làm chúng tôi cười. Má ngồi, mắt nhắm lại, nắm hai bàn tay, gục gặc đầu khi chữ nghĩa lên tiếng khóc cười và bắt chúng tôi suy nghĩ. Giống như kẻ xa quê mới vừa qua khúc quanh đã mường tượng nhìn thấy cảnh nhà, hai má con tôi rón rén dò theo lối cũ thân quen của nét chữ màu đen để tìm lại những khoảnh khắc mãi mãi vẫn còn tinh nguyên và kỳ thú.
Đôi lúc, dọc đường về, tôi hồi tưởng những đêm chiếc xe cũ kỹ của má lăn bánh trên lối rẽ vào nhà. Má thường mệt nhoài sau đoạn đường dài năm mươi cây số ở sở làm về, nhưng không bao giờ má mệt nhọc đến độ không mở nổi một cuốn sách để san sẻ cùng chúng tôi. Và trong lúc lái xe, tôi tạ ơn Trời Phật đã ban cho tôi chữ nghĩa, sách vở cùng cái nỗi vui sướng tuyệt vời được gởi lại món tặng vật quý giá của một người mẹ đã từng đọc truyện cho tôi.
Huệ Khải
26-02-1994
Theo Ralph Kinney Bennett, The Greatest Gift I Ever Received, 1990.