BỐ, CON TRAI, VÀ CHUYẾN TÀU
Có những trẻ không được may mắn khi sinh vào một gia
đình thừa thãi tiền của mà cha mẹ thiếu thốn thời gian để chăm sóc, thương yêu,
cảm thông và san sẻ với con cái. Bận bịu những mưu toan cho công danh, tài lộc
và thú vui riêng, cha mẹ hầu như cả ngày không có lúc nào thật sự gần gũi con,
và như để bù lại cho thiếu sót đó, cha mẹ rất sẵn sàng tặng con những khoản
tiền lớn, sắm cho con những phương tiện vật chất xa hoa. Dần dần, cha mẹ và con
cái như ngầm hiểu đã có một thỏa thuận đánh đổi. Giữa cha mẹ và con cái hình
thành một quan hệ nguy hiểm: cung phụng và đòi hỏi, yêu sách và đáp ứng. Đến
một lúc nào đó, thói hưởng thụ vô trách nhiệm sẽ dễ đưa đẩy đứa con tới lỗi lầm.
Trái lại, câu chuyện sau đây của BOB GREENE,
nhà báo Mỹ (sinh năm 1947), cho thấy một cách khác nuôi dạy con; nó không đòi
hỏi tiền của tốn kém, mà lại là điều quý giá nhất trên đời, đó là cha mẹ biết
chu đáo dành thời gian cho con, quan tâm và ráng hết sức làm người bạn thân của
con trong cuộc chơi của con trẻ.
*
Một sáng đi qua sân bay, tôi đáp chuyến tàu đưa hành
khách từ ga chánh tới các cổng để lên máy bay. Những chuyến tàu này chạy đi
chạy về suốt ngày, miễn phí, sạch sẽ, và vô hồn. Mấy ai thấy chúng vui đâu, thế
mà hôm Thứ Bảy ấy tôi nghe có tiếng cười vui vẻ.
Ngồi ở đầu toa thứ nhất, một ông bố và con trai đang
ngó ra ngoài cửa sổ nhìn về con đường sắt nằm phía trước. Tàu vừa ngừng bánh
thả khách xuống, và rồi những cánh cửa đóng lại. Ông bố nói: “Mình đi nè! Ôm
chặt bố nhé!” Cậu bé, chừng lên năm, cất tiếng cười tươi, trong trẻo.
Ông bố bảo con: “Nhìn kia kìa! Thấy ông phi công đó
không? Bố cá với con là ổng đang ra máy bay đấy.” Cậu bé nghểnh cổ nhìn.
Khi xuống tàu, tôi nhớ ra cần mua mấy thứ ở ga chánh.
Còn lâu mới tới chuyến bay của mình, nên tôi quyết định quay lại.
Tôi trở lại, và ngay lúc sắp bước lên tàu lần nữa để
ra cổng lên máy bay, tôi bắt gặp hai bố con nhà nọ cũng đã quay trở lại trước
đó rồi. Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ rằng họ không hề đi chuyến bay nào hết, mà chỉ là
đang theo mấy lượt tàu ngược xuôi lui tới.
Ông bố hỏi: “Bây giờ con muốn về nhà chưa?”
“Con muốn đi chơi nữa.”
Người bố làm bộ bực bội mà rõ ra là vui lắm, hỏi:
“Nữa hả? Không mệt sao con?”
Cậu bé đáp: “Vui quá!”
“Thôi được.” Ông bố trả lời, và khi cửa mở ra, tất cả
chúng tôi đều lên tàu.
Có những bậc cha mẹ đủ sức gởi con cái đi châu Âu hay
tới khu Disney,([1]) và đám trẻ hóa ra
hư hỏng. Có những bậc cha mẹ ở trong những căn nhà hàng triệu đô và sắm cho con
họ nào xe cộ nào bể bơi hồ tắm, mà lại có cái gì đó trục trặc. Giàu với nghèo,
thường thường xảy ra nhiều điều tệ hại.
Cậu bé hỏi: “Bố, người ta đi đâu vậy bố?”
Đáp: “Khắp thế gian này.” Những người khác trong sân
bay đang lên đường đi đến những chốn xa xôi hay vừa mới tới cuối chặng hành
trình của mình. Dẫu thế, hai bố con ấy chỉ là đang làm bạn đồng hành bên nhau,
cùng đi chung mấy lượt tàu tới lui xuôi ngược, làm cho chuyến đi thành ra hào
hứng.
Biết bao những rắc rối - tội ác, giết
chóc vô nhân dường như đang chiếm lĩnh những mảnh đời non trẻ, các tiêu chuẩn
giáo dục đang tụt xuống, những đồi bại đê tiện giữa công chúng đang tăng lên,
những phép xã giao lịch sự tối thiểu đang vắng bóng. Biết bao là câu hỏi xem ta
phải làm gì. Ở đây là một người cha đã tính toan dành riêng cho con trẻ một
ngày vui và ông đã nghĩ ra cái phương án ấy trong một buổi sáng Thứ Bảy như thế
này.
Đơn giản thay! Cha mẹ nên biết chu đáo dành thì giờ
cho con, hãy quan tâm và ráng hết sức mình đi. Nào tốn kém gì đâu, mà nó lại là
điều quý giá nhất trên đời.
Con tàu chuyển bánh nhanh hơn, ông bố chỉ chỉ trỏ trỏ
chi đó và cậu bé lại cười hớn hở. Đơn giản thay!
Huệ Khải
16-01-1996
Theo
Bob Greene, A Father, a Son and an
Answer, 1993.
([1])
Disneyland là công viên chủ đề đầu tiên trong hai công viên chủ đề (theme parks) xây dựng tại khu giải trí
Disneyland Resort ở thành phố Anaheim, bang California (Mỹ), dưới sự giám sát
trực tiếp của Walt Elias Disney
(1901-1966), là nhà sản xuất phim hoạt hình lừng danh thế giới; cha đẻ
các nhân vật Vịt Donald và Chuột Mickey vào những năm 1920 và 1930. Công viên khai trương ngày 17-7-1955, với
các cảnh trí và nhân vật được xây dựng đúng như trong các bộ phim hoạt hình
lừng lẫy của Disney đã được cả trẻ em và người lớn khắp năm châu hâm mộ. Trong
thập niên 1990, Disneyland đổi tên là Disneyland Park.