Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

30 TÚI BÁU VẬT (CAO CAO DÁNG NÚI)


TÚI BÁU VẬT
Nhà văn Patrick Lafcadio Hearn (1850-1904) bảo: “Chừng nào người ta có con và thương yêu con, bấy giờ người ta mới có thể biết được cuộc sống có ý nghĩa gì, thế gian này có ý nghĩa gì, sự vật có ý nghĩa gì. Và lúc ấy cả càn khôn vũ trụ này thay đổi, và chẳng bao giờ có lại cái gì dường như giống hệt thuở trước.” ([1])
Nếu ai nghĩ rằng Hearn nói hơi quá, có lẽ họ chưa được diễm phúc trải nghiệm cái vui sướng được làm cha làm mẹ. Nhưng câu chuyện của ROBERT FULGHUM (sinh năm 1937) biết đâu sẽ khiến họ thay đổi ý kiến.
*
Sáng hôm ấy, khi tôi sắp đi làm thì cô con gái nhỏ trao cho tôi hai túi giấy. Một túi đựng thức ăn trưa cho tôi tại văn phòng như thông lệ. Còn túi thứ hai? Nó được gấp mép và bấm kim lại cẩn thận.
“Gì thế con?”
“Con tặng bố đó. Bố mang theo đi.”
Buổi trưa trong văn phòng, sau khi ăn xong khẩu phần đạm bạc, tôi mở túi giấy thứ hai và phì cười: Hai sợi thun buộc tóc, ba hòn sỏi nhỏ, một con khủng long nhựa, mẩu viết chì cùn, cái vỏ ốc, hòn bi, thỏi son đã dùng hết, mấy đồng xu. “Đúng là trẻ con.” Chẳng do dự, tôi gạt hết tất cả trở vào túi giấy, bỏ ngay xuống sọt rác.
Buổi tối tôi ngồi đọc báo, con gái sán lại gần: “Cái túi đâu rồi bố?”
“Túi gì?”
“Hồi sáng con tặng bố đó.”
Chột dạ, tôi bèn nói trớ: “À, bố còn để trong văn phòng? Con đòi lại hả?”
“Con muốn bỏ thêm cái này.”
Tôi nhìn mảnh giấy nhỏ gấp tư kẹp giữa những đầu ngón tay bé bỏng. Cô bé giải thích: “Mấy món đó con thích lắm. Con nghĩ là bố cũng thích chơi với chúng. Bố còn giữ không?”
Nhìn mấy giọt nước mắt vừa lăn xuống đôi má bầu bĩnh, tôi cố nói với cái giọng quả quyết cho con tin: “Bố cất trong văn phòng. Mai bố mang về. Bố hứa mà.”
Trong lúc con gái quàng tay ôm lấy tôi, tôi mở mẩu giấy ra: “Con thương bố nhiều.”
Đêm đó, tôi chỉ trông cho mau sáng để đi làm thật sớm, để kịp thu hồi túi báu vật trước khi nhân viên quét dọn trút bỏ giỏ rác.
Con gái tôi đã sung sướng nhận lại túi giấy. Buổi tối, ngồi cạnh tôi, cô bé bày hết các món ra mặt bàn ăn, mỗi món đều có một sự tích diễn giải kèm theo. Lúc ấy tôi hiểu ra con gái quả thật đã trao cho tôi một túi báu vật nhưng tôi trót đánh giá không đúng. May mà còn cứu vãn được.
Tôi sung sướng khi con gái trao lại tôi túi giấy với vẻ mặt tin tưởng rằng nó sẽ được giữ gìn cẩn thận.
Con gái tôi đã không lầm. Tôi bỏ tất cả vào một cái hộp. Bao lần dời chỗ, dọn nhà, cái hộp chứa túi báu vật vẫn không suy suyển. Nó chỉ cũ kỹ theo thời gian. Và chính vì thế mà nó càng vô giá, bởi lẽ kẻ làm cha làm mẹ chỉ có một thời ngắn ngủi để được nhận món quà thương yêu của con trẻ thơ ngây.
Cái thời ấy không trở lại lần thứ hai.
Huệ Khải
22-9-2009
 Theo Robert Fulghum, The Good Stuff, 1989.




([1]) No man can possibly know what life means, what the world means, what anything means, until he has a child and loves it. And then the whole universe changes and nothing will ever again seem exactly as it seemed before.