Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

22 NGƯỜI LÀ BỐ TÔI (CAO CAO DÁNG NÚI)


NGƯỜI LÀ BỐ TÔI
Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, đứa con trai trưởng thành, đỗ đạt và bước chân vào một thành phần xã hội khác hơn bố anh. Nhưng anh không hề mặc cảm tự ti, không hề muốn giấu giếm gia thế của mình. Câu chuyện MICHAEL COREN (sinh năm 1959) kể về bố có ẩn niềm tự hào, lòng hãnh diện. Phải làm sao để mai này con anh cũng hãnh diện, tự hào về bố mình như vậy? Đó là bài học lớn anh tiếp thụ từ đời bố và sẽ phải dành hết phần thời gian còn lại của đời anh để áp dụng.
*
Tôi nhớ cái mùi xà bông hăng hắc khi người chà xát mạnh hai bàn tay, để gột sạch bụi đất và dầu mỡ đóng bám bên dưới những móng tay thô cứng và vấy bẩn trên hai bàn tay chai sần. Tôi vẫn còn có thể thấy được làn nước đục ngầu nằm trong chậu sau khi người rửa mặt xong.
Người luôn luôn nói chuyện với tôi trong khi đang rửa mặt trước lúc ăn cơm tối, kể tôi nghe về thời thơ ấu của người và để cho những giọt nước bắn vào đùi tôi trong khi dạy tôi điều hơn lẽ thiệt. Người thường bảo: “Một lời hứa là một lời hứa.” Thực vậy. Người chưa một lần nuốt lời, bội ước. Người là bố tôi.
Người lái tắc xi ở London trong bốn mươi năm. Đó là việc làm mang lại tiền công cũng không tệ nếu người ta bằng lòng cày mười hai giờ một ngày, mỗi tuần sáu ngày.
Khi tôi còn bé, lắm khi người rước những khách đang hò hét gọi tắc xi dọc đường. Đáng lý người đừng rước họ, khi có tôi trong xe. Nhưng tôi tôi mới sáu, bảy tuổi đầu và chẳng ai thèm để ý.
Tôi chẳng bao giờ hiểu nổi vì sao khách đi xe lại cư xử trịch thượng với người theo kiểu họ là kẻ cả, bề trên. Người là “anh tắc xi”, là “ông tài xế”, là “chú mày”. Không, người không là gì cả; người là bố tôi.
Người lúc nào trông cũng ra dáng khỏe lắm, che chở tôi được lắm, dũng mãnh lắm. Dũng mãnh đủ để mà còn khóc được khi người cảm thấy cần phải khóc. Người khóc khi bà nội tôi mất. Ruột gan rối bời. Người vào phòng tôi, nhận ra nỗi sợ hãi và vẻ âu lo trên mặt tôi, người cùng tôi đọc một đoạn ngắn kinh cầu nguyện cho bà. Người hôn tôi, nắm bàn tay tôi và rồi lái xe đưa tôi đến trường trước khi người giam mình mười hai giờ trong chiếc tắc xi. Người là bố tôi.
Tôi nhớ nỗi hân hoan hào hứng của người khi tôi vào đại học; tôi là kẻ đầu tiên trong nhà làm được kỳ tích đó. Dĩ nhiên người hóa ra vụng về lúng túng khi tôi tốt nghiệp, người chụp hình cứ loạn cả lên và chẳng hiểu gì thứ tiếng La Tinh mà người ta thốt ra trước cái bữa ăn theo nghi lễ. Sao lại thế? Tất cả những gì mà con người lao động chân chất đang diện bộ com lê này bận tâm là con trai ông sẽ không bước theo con đường của ông. Người thường hỏi tôi: “Con có biết tại sao bố cứ làm quần quật giờ này sang giờ khác như thế không? Để cho con sẽ không phải cực như bố.”
Người không đủ khả năng đi nghỉ nơi xa cùng các con giống như những ông bố khác. Chỉ tại không tiền. Người ở nhà một mình, làm việc thậm chí còn nhiều giờ hơn bình thường, và người gặm bánh mì, uống nước trà để sống qua những ngày ấy. Chúng tôi thường gọi điện cho người từ một khách sạn trên bãi biển lạnh lẽo và nói rằng chúng tôi nhớ người biết bao nhiêu. Nhưng người thừa biết mà. Người là bố tôi.
Và khi đứa con đầu lòng của tôi chào đời, con người bình thường mà khác thường này chẳng nói năng nhiều. Chỉ ngắm nghía đứa bé rồi lại chăm chú nhìn tôi. Người nói qua ánh mắt, và tôi hiểu. Người đang ngầm nói với tôi như vầy: “Con ơi, hãy làm sao cho mai này khi trẻ trưởng thành, sẽ nói được chỉ một điều đơn giản, rằng người là bố tôi.”
Huệ Khải
15-9-1996
Theo Michael Coren, He Was My Father, 1993.