SAO BỐ
LẠI QUÊN
Được
coi là một trong những áng văn cổ điển (classics) của báo chí nước Mỹ, đây là
những lời sám hối chân thành của một người cha trước đứa con thơ. Bài viết
ngắn, mà xúc cảm. Đấy là lý do vì sao kể từ lần in đầu trên People’s Home Journal, rồi được rút ngắn đăng trên Reader’s
Digest (1927), bài viết này đã
không dừng lại ở đó mà còn tiếp tục được biết bao phương tiện truyền thông đại
chúng và các cơ quan giáo dục nối tiếp nhau phổ biến mãi ở Mỹ, rồi còn dịch ra
nhiều thứ tiếng của các dân tộc khác.
Tuy
mấy mươi thập niên đã trôi qua, lời sám hối của W.
LIVINGSTON LARNED (sinh năm 1880) vẫn còn có thể khiến cho những người làm cha hôm nay phải chạnh lòng tự
xét bản thân, và nhận thấy rằng hình như Larned đã thay mình thú nhận giùm
những lầm lỗi mà hầu như người cha nào cũng từng dễ dàng mắc phải.
*
Con ơi, bố nói
điều này khi con đang yên ngủ, bàn tay bé nhỏ nằm ép một bên má và những lọn
tóc vàng dính bệt trên trán con dâm dấp mồ hôi. Bố một mình rón rén vào phòng
con. Mới cách đây mấy phút, khi ngồi xem báo trong phòng đọc sách, một ngọn
sóng ăn năn bủa tràn lên người làm bố nghẹn thở. Bố đã đến bên giường con, lòng
đầy sám hối.
*
Con ơi, đây là
những gì bố đang nghĩ tới: Bố đã nổi nóng với con. Bố la rầy lúc con mặc quần
áo đi học bởi vì con chỉ lấy khăn quệt dối lên mặt. Bố đã quở mắng con vì tội
không chịu lau sạch giày. Bố đã quát tháo thịnh nộ khi con quăng ném mấy món đồ
lên nền nhà.
Lúc ăn sáng bố
lại soi mói nữa. Con làm vương vãi các thứ. Con ngốn vội thức ăn. Con tỳ khuỷu
tay lên bàn. Con phết quá nhiều bơ lên bánh mì. Khi con bước đi chơi còn bố ra
ga đón tàu, thì con quay lại, vẫy tay nói “Chào bố”, thế mà bố cau mày, quát
lớn “Thẳng lưng lên”.
Rồi đến xế
chiều mọi thứ lại bắt đầu tái diễn. Lúc ra đường bố rình xem con đang quỳ chơi
bắn bi. Có mấy lỗ thủng trên vớ con. Bố đã làm con mất mặt trước đám bạn trai
khi đuổi con về nhà. “Vớ chẳng rẻ gì đâu, có bỏ tiền ra mua mày mới biết giữ
gìn!” Con ơi, thử nghĩ coi, làm bố mà ăn nói như thế!
Sau đó, con
nhớ không, bố đang xem báo trong phòng đọc sách, con rụt rè bước đến với ánh
mắt khổ sở. Bực mình vì bị quấy rầy, bố ngước lên khỏi tờ báo liếc nhìn, thì
con ngập ngừng ở cửa phòng. Bố gắt: “Muốn gì hả?”
Con chẳng nói
chẳng rằng, chạy ùa tới nhanh như cơn lốc, quàng tay quanh cổ bố và hôn bố. Đôi
cánh tay nhỏ bé của con ghì chặt bố với một tình cảm mà Trời Phật đã khiến cho
lòng con nở hoa, và ngay cả sự thờ ơ hờ hững cũng chẳng thể nào làm cho nó héo
úa. Rồi con ra khỏi phòng, lộp cộp lên cầu thang.
Con ơi, liền
sau đó tờ báo tuột khỏi hai bàn tay bố và một nỗi khiếp sợ đã chiếm ngự bố. Cái
thói gì đã khiến bố cứ như vậy? Cái thói bới móc lỗi lầm, ưa quở mắng, và đấy
là phần thưởng mà bố dành cho con, cho một đứa trẻ. Chẳng phải bố không yêu con
đâu; nhưng chính là bố đã đòi hỏi ở con quá nhiều. Bố lấy tuổi đời mình làm cây
thước để đo con trẻ.
Và trong con
có biết bao tính chân thiện, tốt lành. Tấm lòng bé bỏng của con quảng đại như
chính vầng dương buổi sớm phủ lên những ngọn đồi bao la. Điều này được minh
chứng bằng một thôi thúc tự nhiên đã khiến con chạy ùa vào hôn bố chúc ngủ
ngon. Con ơi, tối nay không còn điều gì khác quan trọng nữa đâu. Bố đã đến bên
giường con trong bóng đêm, và bố quỳ xuống đấy, xấu hổ.
Bố biết con sẽ
không hiểu những điều này nếu bố nói với con khi con đang thức. Nhưng ngày mai
bố sẽ là một người cha thực sự. Bố sẽ là bạn con, sẽ khổ sở khi con khổ sở, sẽ
cười khi con cười. Bố sẽ mím chặt môi ngăn lại những lời lẽ nóng giận. Bố sẽ
nói mãi lời này như một nghi thức: “Con chỉ là một đứa trẻ, một đứa trẻ bé bỏng
thôi mà!”
Bố sợ rằng bố
đã hình dung con như một người lớn. Nhưng con ơi, giờ đây khi bố nhìn con, ngủ
vùi mệt mỏi trên giường, bố thấy rằng con vẫn là một em bé. Mới hôm qua đây con
còn trong đôi cánh tay mẹ, ngả đầu lên vai mẹ. Vậy mà bố đã đòi hỏi con quá
nhiều, quá nhiều.
Huệ Khải
29-01-1999
Theo W. Livingston Larned, Father Forgets, 1927.