CHA
CŨNG THƯƠNG CON
Đây là
chuyện D.L. STEWART kể:
Khi trở về nhà sau một ngày làm việc mệt lử, tôi
vừa bước chân vào phòng khách thì cậu con trai mười hai tuổi ngẩng nhìn, nói
liền: “Cha, con thương cha.”
Tôi khựng lại, im lặng và phân vân. Như thế nghĩa là
gì? Thằng bé sắp nhờ mình làm giúp việc gì? Xin tiền chăng? Hoặc nó mới phạm
lỗi lầm nào đó và sắp mở miệng cầu xin tha thứ? Sau cùng, tôi hỏi: “Con muốn
gì?”
Thằng bé nhe răng cười rồi co chân chực chạy đi. Tôi
níu lại, gặng hỏi: “Con muốn gì, hả?”
Nó vẫn cười: “Dạ, không. Thầy dạy đức dục bảo tụi con
về nói với cha mẹ như vậy để xem cha mẹ phản ứng ra sao. Đây là một thí
nghiệm.” Rồi vùng ra khỏi tay tôi, nó chạy biến.
Hôm sau, tôi gọi điện thoại tới nhà thầy dạy môn đức dục.
Quả là có thí nghiệm đó. Ông giáo nói: “Khi bảo bọn trẻ về nhà hãy nói thế, tôi
hỏi chúng thử đoán xem cha mẹ sẽ phản ứng ra sao. Chúng cười rần. Có đứa nói
chắc cha mẹ nó sẽ đau tim, hoặc lên tăng-xông.”
Ông giáo giải thích: “Cảm giác được yêu thương rất
quan trọng cho mỗi người. Ai cũng cần biết mình được yêu thương. Nhưng tệ thay,
chúng ta không có thói quen bày tỏ lòng thương yêu người khác. Cha tôi rất thương
tôi, tôi biết, nhưng chưa một lần ông nói ra điều đó. Tôi cũng thương cha lắm
chứ, nhưng tôi làm thinh ngay cả khi cha tôi sắp chết. Đám người lớn chúng ta vốn
dĩ được cha mẹ nuôi dạy như thế và chúng ta cũng đáp lại mẹ cha mình giống y như
thế. Tức là quen giấu giếm trong lòng mình tình thương yêu mà lẽ ra mình rất
nên bày tỏ. Có lẽ ông không phải là người duy nhất lúng túng, lặng thinh khi
nghe con mình thốt ra lời thương yêu mình đâu.”
Tối hôm ấy, như thông lệ, cậu con trai tới bên cạnh
và bá cổ tôi, hôn tôi trước khi đi ngủ. Tôi liền ôm lấy con, giữ con lại trong
vòng tay mình lâu hơn mọi khi. Rồi hôn con trìu mến, tôi thì thầm bên tai thằng
bé: “Con nè, cha cũng thương con.”
Huệ
Khải
30-9-2009
Theo D.L. Stewart, Hey Son, I Love You, Too, 1999.