Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

13 ĐIỀU TÔI HỌC ĐƯỢC Ở MÁ (AI ĐO LÒNG BIỂN)

Image result for contradiction
ĐIỀU TÔI HỌC ĐƯỢC Ở MÁ
Đức Lão Tử bảo: “Họa là chỗ dựa của phúc. - Họa hề phúc chi sở ỷ.” Câu nói thâm thúy đó phản ánh tính hai mặt đối lập không thể tách rời của cuộc sống nhị nguyên.
Phải, nào ai có thể hoàn toàn toại ý vừa lòng với những gì mình đang có trong đời. Xu hướng của phần đông là chối bỏ cái hiện có để mong vọng cái muốn có. Nhưng cũng có một số người khác chọn thái độ giáp mặt với cái hiện có, cho dẫu nó là nghịch cảnh trái lòng, và họ chủ động tìm thấy trong chính hoàn cảnh không thuận lợi ấy những yếu tố thuận lợi.
Thái độ ứng xử sau rõ ràng mang tính triết lý nhân sinh, và cũng là một nghệ thuật sống mà không phải ai ai cũng dễ dàng lãnh hội rồi áp dụng thành công cho đời mình. Trong câu chuyện của nữ sĩ FAYE MOSKOWITZ (sinh năm 1930), bà kể lại kinh nghiệm bản thân, cách mà bà đã tự mình chứng thực bài học nhân sinh to tát đã sớm được mẹ truyền dạy từ khi bà còn tấm bé.
*
Còn nhớ khi ngồi trong gian bếp của má, tôi bé quá hai bàn chân chưa chạm tới lớp vải dày phủ sơn lót sàn để khỏi thấm nước. Trên mặt bàn trước mặt tôi sờ sờ một dĩa thức ăn mà khi tôi chòng chọc nhìn vào, dường như nó lại nở lớn nhiều thêm. Tôi rên rỉ: “Má ơi, con ghét món này. Con chẳng ăn đâu.”
Má nhìn tôi, cái nhìn có lẽ đủ sức làm mềm được cái cổ áo hồ bột cứng ngắc má đang ủi. Má bảo: “Hãy xét xem con có phước chừng nào. Bộ con không biết bên châu Âu trẻ con đang chết đói hả?”
Má được dưỡng dục với đức tin rằng cho dù hoàn cảnh mình tồi tệ đến đâu, thì ở nơi nào đó lại đang có người thậm chí còn thảm hại hơn thế nữa. Có lẽ má cảm thấy rằng than van sẽ chuốc thêm tai họa xấu hơn. “Hãy xét xem con có phước chừng nào.” Điệp khúc ấy của má cứ khiến tôi giận dữ.
Chị họ tôi tên Leah cũng sống với tín điều y hệt má. Nhiều năm trước trong một lần gia đình sum họp, chị Leah kể về ngôi làng cũ bên Nga.
Chị bảo chúng tôi: “Làng quê êm đềm có dòng sông xinh đẹp đầy cá. Nhà của mình rộng rãi và tất cả bà con dòng họ đều sống gần nhau.” Nghịch cái trợ thính trong tay, bác Phil làu bàu: “Lại mơ mộng. Đến mùa xuân sình lầy khắp nơi. Chả có quái gì để ăn... Sao không kể luôn?”
Lần sau cùng tôi gặp Leah, chị đang nằm dài trên trường kỷ, suy kiệt vì phải chịu hóa trị. Bắt gặp cây gậy dưới chân chị, tôi hỏi xem chị có còn đi được không. “Dĩ nhiên là được.” Chị bảo thế và gượng ngồi dậy. Rồi rất chậm chạp, chị vói lấy cây gậy, tập tễnh đi vài bước. Chị bảo: “Xem nè, lẽ ra thì phải tệ hơn đấy. Tạ ơn Trời là chị chưa tàn phế.”
Làm sao mà những người như chị Leah và má tôi luôn luôn nhìn vào mặt lạc quan của cuộc sống, cho dẫu phần lạc quan ấy rất mỏng manh? Nếu bảo thời thơ ấu của chị Leah kinh hãi đến mức bây giờ cái gì so sánh lại cũng thấy tốt đẹp, thế thì giản đơn quá. Đối với những người không chịu để cho đời đánh bại như chị Leah, họ thấy quanh mình còn nhiều người bất hạnh hơn.
Trong nhiều năm tôi là một trong những kẻ thua thiệt trên đời. Năm tôi mười bảy, má mất đi để lại cho tôi hai em trai nhỏ dại và một người cha không cam chịu cảnh góa vợ nên đã cưới một bà không phù hợp. Khao khát thoát ly, xong trung học là tôi liền lấy chồng.
Trong căn nhà nhỏ hẹp nơi ba đứa con đầu tiên của tôi chào đời, tôi đã than vãn, ca cẩm với các bà mẹ trẻ khác. Cả đám đàn bà không sao thấy được số phận của mình xa hơn những tấm tã nhếch nhác và mớ chén dĩa bẩn thỉu. Thỉnh thoảng tôi nhủ lòng rằng may mắn thay tôi còn có người chồng biết quên mình và đàn con khỏe mạnh, nhưng việc ấy chẳng làm cho cảnh khổ của tôi vơi bớt.
Khi má chồng tôi góa bụa và dọn đến ở chung, tôi đã liệt bà vào danh sách những gánh nặng đời tôi. Quyết tâm cho bà thấy tôi là vợ đảm mẹ hiền cỡ nào, tôi cáu kỉnh cọ rửa xoong nồi trong lúc người phụ nữ buồn bã kia đang muốn giúp tôi lại chẳng hề làm gì hết.
Rồi tôi kịp thấy rằng đôi bàn tay thiện chí của má chồng có thể giải tỏa cho tôi khỏi giỏ đồ ủi vô tận. Khi bà nội đưa cháu đi công viên, tôi có thể đọc một quyển sách hay gọi được một cú điện thoại mà không bị quấy rầy làm cho gián đoạn.
Về sau, bà nội cháu còn giúp tôi có điều kiện tham gia vào công tác xã hội tình nguyện và hoạt động chính trị. Khi làm được điều gì đó cho tình trạng của cái thế giới mà bấy lâu nay tôi cứ mãi kêu ca than vãn, tôi đã có được cái nhìn cuộc đời tích cực hơn. Dần dần tôi nhận thức rằng tôi có thể soi rọi đời tôi ở một góc độ khác. Khi phải đối mặt với nghịch cảnh, tôi đã có thể hỏi: “Đâu là mặt tốt trong đó?” Dĩ nhiên không phải bao giờ thái độ ứng xử này cũng hiệu quả. Đôi khi lòng tin của tôi chao đảo, lung lay nhưng tôi hầu như luôn tìm kiếm được những gì mang tính khả thi thay vì những rào ngăn bệ chắn cản đường.
Má chồng sống với chúng tôi hơn ba mươi năm cho mãi tới ngày qua đời. Bốn đứa con tôi yêu thương bà nội rất mực. Bọn trẻ nhớ bà là người luôn luôn có chỗ cất giấu những viên kẹo sô-cô-la tròn tròn, là người để cho các cháu thức khuya xem ti vi và quan trọng hơn hết, bà là người không bao giờ mách lại những việc của các cháu.
Nhớ lại một chút hồi con tôi là Shoshana và chồng là Peter cùng với bé gái Helen vừa lên sáu về sống chung với vợ chồng tôi mấy tháng. Trong căn nhà vốn đã quen cảnh hai ông bà im ắng, đột ngột dội ầm ầm tiếng cửa dập mạnh, và những ngọn đèn bỏ quên không ai tắt. Thay vì đi ra ngoài ăn khuya hay bốc đồng đi đến một nhà hàng ở khu lân cận, tôi lại một lần nữa phải lo toan trù tính cho các bữa ăn. Chúng tôi lúc nào cũng cạn hết bánh mì và sữa.
Nhưng trong đó có mặt tốt của nó: Tôi nhận ra con rể mình quả là người chồng tốt, người cha hiền biết bao. Đúng rồi, đành rằng phải nấu ăn nhiều bữa hơn, nhưng cũng có thêm nhiều bàn tay giúp việc dọn rửa, và con rể tôi lại chà sạch xoong nồi còn bóng hơn cả tôi nữa. Shoshana và tôi đã gạt qua một bên những bất đồng xưa cũ giữa hai má con và sát cánh bên nhau làm việc nhịp nhàng, tự nhiên như nhịp đập con tim. Đánh đổi lấy sự riêng tư và cô đơn, vợ chồng tôi nhận được tặng vật là sự có mặt của đứa cháu ngoại trong mảnh đời thường ngày của hai chúng tôi.
Phải chăng con đang xem xét những ân phước con đang hạnh hưởng? Phải rồi, má ơi, má có thể đoan chắc điều này.
Huệ Khải
26-7-1999
Theo Faye Moskowitz, Adding Up the Good Things, 1998.