NẮNG XUÂN XIN GIỮ TƯƠI MÀU
Sanh con khó mà dễ. Lo cho con miếng ăn cái mặc cũng khó mà dễ. Còn
làm cha làm mẹ sao cho ra cha ra mẹ thì quả thực chẳng dễ dàng gì.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, bằng một quyển sách in trước năm 1975 ở
Sài Gòn, cho rằng làm cha làm mẹ cũng là một nghề, “nghề làm cha mẹ”. Giữa cuộc
đời thường, nếu chúng ta thất bại trong nghề nghiệp sẽ có thể đưa đến lỗ lã,
thậm chí là phá sản. Nếu chúng ta thất bại trong nghề làm cha làm mẹ, chúng ta
mất đứa con, thì đây cũng là một kiểu phá sản. Vậy mà, ở đời có nhiều cấp
trường lớp dạy con người văn hóa, nghệ thuật, kỹ năng chuyên môn... Trái lại,
hầu như chưa từng có trường chuyên lớp chọn nào dạy cho ta biết cái nghề làm
cha làm mẹ.
Đầu năm 1926, Đức Cao Đài khuyên: “Dạy trẻ con toan trước dạy mình...”,
và chỉ cho đến khi mang thân phận làm cha rồi, tôi mới bừng tỉnh ngộ để cảm
nhận được hết cái thâm thúy ẩn trong lời lẽ giản đơn ấy của Thầy.
Bởi vậy, những dòng sau đây cũng là lời tự thú của một người cha đã
trót mắc không ít thiếu sót, lỗi lầm.
*
Tết này các con thêm một tuổi. Nhiều khi
mẹ bảo bố: “Anh coi kìa, đã dài đòn lắm rồi.” Nói vậy, bố vẫn thấy Bé Hai, Bé
Ba nhỏ xíu như hôm qua hôm kia. Phải, các con hãy còn bé bỏng lắm, và bố nghiệm
ra rằng xử sự với các con cho đúng đắn hóa ra lại khó hơn là giữa người lớn với
nhau.
Bình tâm tự xét, các con được gần bố ít
hơn là gần mẹ. Khi xuất bản quyển sách thứ hai, bố đã nôn nóng nhờ nhà in đóng
xén ngay vài quyển để sớm đem về “khoe” cả nhà. Có một trang gần như để trắng,
chỉ vỏn vẹn hai hàng chữ nhỏ nhắn, xiên xiên, trang trọng:
Tặng
Thanh Mai
và
các con Anh Huy, Anh Thư
Mẹ cười cười trong lúc hai con chồm lên
níu tay bố kéo xuống cho quyển sách vừa tầm mắt. Các con hỏi: “Có tên con hả
bố? Đâu bố? Sao để tên con vậy bố?” Bố không đáp. Làm sao các con hiểu dòng đề
tặng ấy, như một lời xin lỗi thầm lặng.
Ngoài giờ giấc quản lý một văn phòng nho
nhỏ, rồi đi dạy ban đêm, bố còn miệt mài với nợ chữ nghĩa. Không vùi đầu đọc
sách, thì cặm cụi dịch hay viết bài. Mỗi ngày, mỗi tuần, thời gian bố dành cho
ba mẹ con, xét ra nào được bao nhiêu! Chủ Nhật, ngày lễ, các con nài nỉ bố chở
đi chơi, lắm khi bố cũng phải khất phải hẹn. Các con thất vọng, còn bố thấy
mình có lỗi.
Buổi tối, tan trường ra, về tới nhà bao
giờ cũng gần chín giờ đêm, hai con còn thức, bố thường vẫn hỏi, như một điệp
khúc: “Trễ lắm rồi, sao chưa chịu đi ngủ hả?” Có lần, cái mệt mỏi nguyên một
ngày dồn lại chắc đã làm cho giọng nói bố thiếu sự ngọt ngào. Các con phụng
phịu, dỗi hờn: “Con chờ bố về chơi. Con nhớ bố lắm!”
Hồi nãy, nghe tiếng kèn xe bố, hai anh em
hớn hở giành nhau chạy ra mở cửa. Mới đó thôi mà đã tiu nghỉu rồi. Bố lại cảm
thấy ăn năn.
Có sáng, các con ngủ dậy hơi trễ. Lại có
tật kén chọn quần áo. Dùng dằng mãi. Bố sốt ruột, sợ trễ công việc trong sở. Và
bố đã hơi cáu. Các con thay đồ xong thì nảy sinh chuyện khác. Bé Hai không chịu
ăn sáng, cứ ngậm mãi muỗng phở. Bố giằng lấy muỗng trong tay mẹ, đưa vào tận
miệng con, quát lên bảo con nuốt ngay cho bố kịp đút thêm miếng nữa. Con ứa
nước mắt, rồi òa khóc, rồi sặc thức ăn, và ói hết ra chiếc sơ mi trắng tinh mẹ
mới mặc cho lúc nãy. Lại thêm mất thời gian mẹ lôi con vào buồng tắm gột rửa và
thay áo quần khác. Còn bố như phát ngây, liền quay sang Bé Ba ép con phải nhai
nuốt cho nhanh, giọng sao mà gắt gỏng.
Sáng đó, hai con đều đỏ hoe đôi mắt, ủ rũ
suốt cả quãng đường đến trường. Cho xe vô cổng, bố đỡ hai con leo xuống. Hai
con khoanh tay, cúi đầu lí nhí chào bố rồi lủi thủi dắt nhau bước đi giữa sân
trường vắng ngắt. Nom các con bé bỏng và tội nghiệp. Thế nhưng lúc đó bố chỉ hừ
khẽ một tiếng, và liền quày xe ra, không âu yếm cúi xuống hôn các con như mọi
khi, và các con cũng không liến thoắng căn dặn bố chiều nhớ đến đón sớm.
Chỉ đến lúc ngồi trong sở, bố mới thấy
mình quá dở. Làm bố sao nỡ giận con dai đến thế! Mà các con thì thương bố nhiều
biết bao nhiêu. Bố còn nhớ, hồi Bé Ba chưa đầy bốn tuổi, thấy đêm đổ mưa đã
biết vái Trời cho bố đi làm về khỏi ướt. Có bữa mẹ đón vừa về tới nhà, vô phòng
thấy bố nằm, Bé Ba liền chạy ù tới rờ vô trán, thỏ thẻ hỏi: “Bố bịnh hả bố?”
Hồi mới có Bé Hai, bố quá bận bịu. Bà
ngoại thương, đưa con về nuôi. Một tuần, bố ghé thăm hai mẹ con vài tiếng đồng
hồ. Thường là chiều Chủ Nhật. Không bao giờ bố quên cái buổi chiều về nhà, vô
phòng con, thấy bà ngoại đang giữ cho con ngồi bô. Bố vừa dừng ở cửa, cách hai
bà cháu chừng một bước. Đúng lúc ấy, con ngẩng lên nhìn bố, rồi đứng phắt dậy,
nhào tới ôm lấy bố. Con đâu mới chừng tám tháng gì đó, nào đã biết đi.
Vội đỡ lấy con, bố cười khi thấy chất dơ
chảy ướt dài xuống hai chân con, và cũng lúc đó, bố đã ứa nước mắt, nhòe cả hai
tròng kính. Con chưa biết nói đã đành, mà sao trí óc non nớt của con đã sớm
hiểu. Mẹ hơi hờn, trách bố thưa về thăm đến nỗi con nhớ bố như thế. Bố im lặng
nhận lỗi. Sau đó, khi bế con trên tay, bố cứ hỏi thầm, cái gì trong tâm hồn non
nớt của con đã xui khiến con làm như vậy. Phải chăng cái đó người ta gọi là
“thiêng liêng”.
Khi các con lần lượt vô mẫu giáo, rồi Bé
Hai vào lớp Một, thỉnh thoảng bố có dịp thay ông nội hay mẹ bày cho các con
học. Và bố vẫn thích dạy lại các con một bài học thuộc lòng từ những năm tháng
xa xưa:
Em
thơ biết học i tờ
Yêu em thuở ấy bây giờ thêm
yêu
Đèn xanh mẹ thắp chiều chiều
Cho trang giấy trắng mỹ miều
tương lai.
Thế rồi chính trong lúc say mê lắng nghe
các con ê a lặp đi lặp lại cho nhớ bài thơ đó, bố đã thực sự xúc cảm. Bố lặng
nhìn hai dáng hình nhỏ nhắn trước mặt bố mà thấm thía ý nghĩa bốn chữ “mỹ miều
tương lai” thốt ra từ những bờ môi hồng non dại của các con.
Các con ngày một lớn, bố càng thấy làm
cha làm mẹ sao khó quá. Không như hồi các con còn ẵm ngửa. Khi hai con yên giấc
trên giường, nét mặt thơ ngây xinh xắn, bố âu yếm cúi xuống hôn trộm và khẽ hít
cái mùi thơm tho trên da thịt các con. Có lúc, nếu không vì sợ làm các con thức
giấc, thì bố đã ôm ghì cả hai mà cắn. Những giây phút thần tiên đó, bố biết rất
rõ các con và bố là một. Nhưng còn trong ngày, thỉnh thoảng tránh sao được các
con trở chứng, mà bố không biết tự kềm chế, thì bố con mình sao xa lạ quá! Khổ
cho các con và cho bố biết bao nếu những hình ảnh tệ hại của bố lúc ấy cứ lặp
đi lặp lại sẽ thành những vết hằn trong tâm tưởng các con sau này.
Các con nào biết, chính các con là nguyên
nhân khiến cho mấy năm qua, từ khi tình cờ đọc được bài A Father’s Love của bà Erma Bombeck ([1]) mà
bố hóa ra có nỗi đam mê kỳ lạ. Như kẻ đãi cát tìm vàng, bố không biết mệt mỏi
lục lọi trong những chồng tạp chí cũ, mới nước ngoài để hiếm hoi lắm mới lựa
được dăm ba hồi ức ngăn ngắn mà vô vàn cảm động của những người con trai con
gái viết về bố về mẹ của họ. Và bố đã say sưa chuyển ngữ từng hồi ức của họ
bằng trọn cả lòng rung động của bố.
Chọn mảng đề tài ấy, thú thực bố chỉ muốn
học ở đó những tấm gương vô giá, với ước nguyện rằng bố mãi mãi sẽ không bị lỗi
nhịp trong cung bậc thanh âm mà bố mẹ và các con đã vì một nguyên nhân nào đấy
nên ngày nay mới cùng nhau hội ngộ mà hòa điệu chung trong cùng một mái gia
đình. Bố muốn chúng ta là một bản đàn hay và đẹp như những bài ca ngồ ngộ học
được ở mẫu giáo mà các con vẫn thường về hát lại cho bố mẹ nghe. Có hai câu các
con hát rất dễ thương:
Em sẽ
là mùa xuân của mẹ
Em sẽ là màu nắng của cha...
(Trịnh Công Sơn)
Đó có
thể coi như là ước mơ của các con, nhưng bố lại suy nghĩ khác. Bố tin rằng xử
sự với các con không phải chỉ biết cậy nhờ ở tình thương và bản năng. Bố mẹ cần
phải có lương tri và ý thức. Chính bố chính mẹ phải có trách nhiệm làm sao để
các con sẽ được là màu nắng xuân đó, và bố mẹ phải ráng gìn giữ giùm các con
ước mơ đó ngay từ tháng ngày thơ dại. Mà bố cũng biết rằng bản thân bố còn phải
cố gắng rất nhiều, nhiều lắm các con ạ.
Huệ Khải
Phú Nhuận, 08-12-1994