Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

04 BÔNG DÀNH DÀNH TRẮNG (AI ĐO LÒNG BIỂN)

Image result for gardenia
BÔNG DÀNH DÀNH TRẮNG
Bông dành dành với cánh trắng như sáp, thơm gắt, thuộc họ bông lài (jasminoides), nên cũng có tên là cape jasmine. Ở Việt Nam, nhiều nhà trồng dành dành làm hàng rào. Phải chăng vì mọc nhiều ở núi (?) mà cây dành dành được người Trung Quốc gọi là sơn chi 山梔, gọi tắt là chi , hột gọi là chi tử 梔子, bông là chi tử hoa 梔子花. Phương Tây biết được bông này từ Trung Quốc nên thường cho rằng dành dành gốc gác từ nước này. Nhà thực vật học người Tô Cách Lan là tiến sĩ Alexander Garden (khoảng 1730-1791) có công đưa dành dành sang trồng ở phương Tây, do đó dành dành được mang họ của ông, gọi là Gardenia.
Bông dành dành trắng trong hồi ức của MARSHA ARONS là câu chuyện về người mẹ tinh tế, sâu sắc, rất mực yêu thương con gái mình, đã dọn đường cho con gái bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Người mẹ ấy chăm nom con chẳng rời mà vẫn không vụng về can thiệp vào đời sống, tình cảm riêng tư của con gái tuổi vừa lớn. Ân cần trao gởi cho con gái một triết lý lạc quan về cuộc sống nhưng không vội vã với thời gian, mà biết chu đáo chuẩn bị cho con sẵn sàng để thấm thía và lãnh hội đủ đầy triết lý sống đó. Không bằng những ngôn từ cụ thể, mẹ dạy con luôn luôn bằng vô ngôn, nhưng rồi chính con gái sẽ cảm nhận trọn vẹn bằng con tim mình những gì một đời mẹ ký thác qua từng việc mẹ làm cho mình từ thuở còn tấm bé.
*
Từ hồi tôi mười hai tuổi, sinh nhật nào cũng có một bông dành dành trắng được gởi tới tận nhà. Không một tấm thiệp mà cũng chẳng nét chữ nào kèm theo. Có gọi điện thoại đến người bán hoa cũng vô ích, người ta mua trả tiền mặt, đâu lưu lại tung tích. Một thời gian sau tôi chẳng thèm mất công tìm kiếm lai lịch người gởi tặng hoa nữa, cứ để lòng mình hân hoan với vẻ đẹp và mùi thơm ngây ngất của đóa hoa trắng tinh, bí hiểm, được bọc trong làn giấy lụa hồng mềm mại.
Nhưng tôi không bao giờ thôi tưởng tượng xem người tặng hoa giấu tên ấy là ai. Tôi trải qua những khoảnh khắc hạnh phúc nhất khi mơ mộng nghĩ về con người tuyệt vời ấy, biết làm cho kẻ khác hứng thú, mà lại quá đỗi nhút nhát hay lập dị, không lộ cho ai biết tung tích của mình.
Má cũng góp phần vào những điều tưởng tượng của tôi. Má thường hỏi tôi phải chăng ai đó đã muốn bày tỏ lòng biết ơn vì đã được tôi đối xử đặc biệt tử tế. Có thể đấy là một bà hàng xóm mà tôi đã giúp khuân đồ đạc lủ khủ từ trên xe xuống. Hoặc giả đó là một ông cụ đã được tôi nhặt giùm thư trao lại trong một ngày rét mướt. Dầu là đứa con gái mới mười mấy tuổi đầu, tôi cũng vui hơn khi đoán già đoán non rằng biết đâu lại là một cậu bé mà tôi đã cảm thấy thinh thích, hoặc giả có anh chàng nào đó đã để ý tới tôi mặc dù tôi không biết ảnh.
Năm tôi mười bảy tuổi, một chàng trai làm lòng tôi tan nát. Cái đêm người ấy gọi điện thoại lần cuối cùng, tôi khóc cho đến khi ngủ thiếp đi. Buổi sáng thức giấc, trên tấm gương soi của tôi nguệch ngoạc những lời viết bằng son môi thắm đỏ: “Hãy biết rõ, khi thần tượng giả ra đi thần tượng thật sẽ đến.” ([1]) Trong một thời gian dài, tôi suy nghĩ hoài câu nói ấy của Emerson,([2]) và đến khi nỗi đau nguôi đi, tôi cứ để nguyên những gì má viết trên mặt gương soi. Sau cùng, lúc tôi lau sạch tấm gương, má biết rằng mọi sự đã lại đâu vào đó.
Tôi nhớ chưa bao giờ tôi phải giận dữ đập mạnh cửa phòng mình trước mặt má và lớn tiếng rằng “Má chẳng hiểu gì hết!” Bởi lẽ má thừa hiểu mà.
Một tháng trước ngày tôi tốt nghiệp, ba qua đời vì bệnh tim. Lòng tôi từ thương đau biến thành lạc lõng, sợ hãi, và hờn giận dâng trào vì nỗi ba đã bỏ lỡ mấy sự kiện trọng đại nhất trong đời tôi. Tôi hóa ra lơ là hoàn toàn với ngày tốt nghiệp gần kề, vở kịch của các học sinh năm cuối và buổi khiêu vũ. Còn má, dù rất đớn đau, nhưng vẫn không chịu nghe tôi bỏ qua ngần ấy việc.
Cái ngày trước khi ba mất, má đưa tôi đi sắm sửa áo váy cho buổi tiệc tốt nghiệp. Hai má con tìm thấy một chiếc rất bắt mắt, bằng vải “xuýt” điểm những chấm đỏ, trắng, xanh lơ (dotted swiss). Nó khiến tôi cảm thấy mình giống như Scarlett O’Hara,([3]) nhưng ni tấc lại không vừa với tôi. Khi ba mất, tôi quên luôn áo váy.
Nhưng má nào quên. Vào hôm trước buổi khiêu vũ, tôi thấy bộ cánh rất vừa vặn, đàng hoàng nằm phủ lên cái trường kỷ ở phòng khách. Nó phải đâu mới vừa được mang tới, còn nằm nguyên trong hộp. Nó được tặng cho tôi một cách mỹ miều, nghệ thuật, đáng yêu. Tôi chẳng thèm quan tâm xem mình có áo váy mới hay không. Nhưng má thì quan tâm đấy.
Má muốn các con má thấy rằng con trẻ được yêu thương và muốn con trẻ đáng yêu, nhiều sáng tạo, giàu tưởng tượng, thấm nhuần cái ý nghĩa rằng trong đời này có điều mầu nhiệm và vẫn có cái đẹp ngay cả khi đối mặt cùng nghịch cảnh. Thật vậy, má muốn chúng tôi nhìn thấy bản thân chúng tôi chẳng khác chi cái bông dành dành dễ thương, khỏe khoắn và hoàn hảo, với vầng hào quang mầu nhiệm và có lẽ thêm một chút huyền bí.
Mười ngày sau khi tôi lấy chồng thì má qua đời. Tôi hăm hai tuổi. Năm đó bông dành dành thôi chẳng còn ai gởi cho tôi nữa.
Huệ Khải
10-11-1996
Theo Marsha Arons, Mystery of the White Gardenia, 1996.





([1]) Heartily know, when half-gods go, the gods arrive.
([2]) Ralph Waldo Emerson (1803-1882), người Mỹ, làm mục sư, nhà thơ, nhà văn và diễn giả.
([3]) Scarlett O’Hara: Có lẽ là nhân vật nữ chánh trong tiểu thuyết Gone with the Wind (Cuốn Theo Chiều Gió, 1936) của nữ sĩ Mỹ Magaret Mitchell (1900-1949).