MÁ TÔI,
THẦY TÔI
Là phụ
nữ Thái có pha trộn trong huyết quản một phần dòng máu của người mẹ gốc Hoa, YUWADEE TONSAKULRUNG-RUANG kể lại câu
chuyện thật đời bà, cho thấy những khó khăn thường xảy ra trong cuộc sống gia
đình của mối hôn nhân dị chủng, những ngăn cách giao tiếp trong sinh hoạt hàng
ngày khi mẹ bà phải cố gắng hòa nhập vào một cộng đồng xã hội khác văn hóa...
Xuất
thân ít học, vậy mà bằng nghị lực và lòng nhẫn nại phi thường, người mẹ ấy đã
làm nên “phép lạ” thần kỳ, ảnh hưởng sâu sắc đến con gái, và chính từ đời mẹ mà
con gái biết rút ra bài học để ứng xử trong công việc làm sau này. Với tác giả,
mẹ không chỉ là đấng sinh thành mà còn là thầy dạy, một người thầy mà tác giả
không thể tìm được ở nhà trường.
*
Tôi trìu mến nhìn lá thư trước mặt, nét chữ loằng
ngoằng nhắc tôi nhớ đến giọng nói đặc thù của người viết thư. Nét chữ này chỉ
có thể là của má; tuồng chữ, cũng như giọng má nói, không sao nhầm lẫn được.
Bây giờ má nói tiếng Thái chỉ còn chút xíu hơi hướm giọng Quảng Đông và má viết
tiếng Thái nắn nót, hoàn hảo đến mức chẳng ai ngờ người viết không phải là dân
bản xứ.
Má nhập cư đất Thái cách nay trên sáu mươi năm. Bao
nhiều năm tháng dài má đã ảnh hưởng tôi bằng cơ man những mẩu chuyện về ánh
vinh quang và nỗi buồn đau của nước Trung Hoa, đến độ tôi gần như cảm thấy
chính mình đã xuất thân từ xứ sở ấy. Má luôn luôn tự hào về quê hương má, y hệt
người Hoa hàng ngàn năm trước vẫn cho rằng họ là cái rún của thế gian. Cộng
đồng Hoa kiều ở Thái mang theo họ di sản này, tin rằng chính họ cũng tài giỏi
hơn người Thái nhiều.
Khi tôi còn bé, má hiểu tiếng Thái kém lắm. Tôi căm
ghét những lúc lối xóm và mấy người bán hàng trong vùng chế giễu cách má nói.
Thiên hạ thường gọi chúng tôi là “Chệt”, là “Ba Tàu”, làm tôi giận. Nhưng má
không bao giờ xấu hổ về giọng nói của mình. Sự thật là má chẳng còn lựa chọn
nào khác; nếu như má buộc phải sống ở Thái, má đành phải nói tiếng Thái.
Có phải lúc nào cũng dễ dàng cả đâu. Giống như hai
dòng nuớc chảy dồn vào nhau, dân Thái bản địa và má tôi cố gắng hoài công cũng
chẳng hiểu nhau. Trong lúc người Thái nói như nước tuôn xối xả, má nói như từng
giọt rỉ rả. Người Thái xổ từng tràng như vòi xịt tung tóe thì má như rảy từng
hạt nước li ti. Người Thái sôi nổi nói năng; má lắp bắp những thanh âm rời rạc.
Thậm chí ba tôi, một người Thái, cũng rẻ rúng thứ
tiếng Thái cứng ngắc của má. Ba là người có học, được đào tạo bên Anh, và tôi
hoàn toàn không đời nào hiểu nổi vì sao ba lại chọn một phụ nữ như má làm vợ.
Một người đàn bà có học đáng lý ra lại phù hợp với ba hơn, nhưng hồi trước ở
Thái, khó mà tìm ra một cô vừa xinh vừa có học. Họa hoằn có đi chăng nữa, thì
cả phụ nữ Thái lẫn Hoa đều thiếu học hành hơn cánh đàn ông. Thành thử, ba chỉ
có thể chọn vợ với một trong hai tiêu chuẩn, và theo ba, chọn sắc đẹp vẫn hơn.
Nhưng tiêu chuẩn này giảm sút dần theo tháng năm và chẳng bao lâu thì ba chỉ
còn lại một người đàn bà trung niên mà ba không tài nào hiểu được.
Ba má tôi không sao cùng chia sẻ những trò giễu hay
cùng bàn luận tin tức thời sự mới nhất. Lúc nào bà con bên má tới thăm, chỉ
riêng má và tôi là trò chuyện với họ được. Ba không biết tiếng Hoa, cảm thấy
mình hóa ra người ngoài cuộc. Dĩ nhiên, tình thế lại đảo ngược khi ba dùng
tiếng Thái sai má làm giùm một việc gì đó. Vì nghe không hiểu ra, má thường làm
trật lất.
Đây là thời gian khốn khổ đối với một đứa con gái bé
bỏng phải sống trong cái hố sâu ngăn cách giữa cha và mẹ. Nhưng những khốn khổ
dành cho đứa nhỏ ấy - là tôi - lại sắp sửa gia tăng.
Má không biết đọc biết viết tiếng Thái thì cũng chẳng
ảnh hưởng gì tới tôi. Nhưng một khi tôi bắt đầu học đọc học viết, má lẹ làng
lợi dụng ngay kiến thức mới mẻ của tôi, và tôi liền phát mệt với những đòi hỏi
không ngớt của má. Má thường bắt tôi đọc báo cho má. Má muốn tôi giải thích ý
nghĩa từng hình ảnh trong sách giáo khoa của tôi. Tôi phải đọc to cho má nghe
thư từ của gia đình.
Nỗi khổ của tôi càng gấp đôi mỗi khi có những thư từ
giấy má quan trọng. Tôi có thể đọc theo mặt chữ, nhưng mới học lớp ba, tôi
chẳng hiểu tí gì về nội dung. Các láng giềng nhà tôi không thể giúp má con tôi
được vì lẽ hồi ấy nhiều người Thái cũng chẳng biết chữ hơn má.
Tuy nhiên, những lúc tệ hại nhất lại là khi má con
tôi cùng xem một phim nước ngoài. Tôi mỏi miệng trả lời các câu má hỏi: “Cô ấy
nói gì?” “Họ đang nói về việc gì ?” Đương nhiên là má không đọc được phụ đề
tiếng Thái rồi.
Một hôm, khi tôi còn đang ở bậc tiểu học, má bắt đầu
học đọc tiếng Thái, dùng lại các tập vở và sách cũ của tôi. Thay vì cảm thấy
hãnh diện với người mẹ như vậy, tôi trở nên cay cú hơn. Tôi thành cô giáo bất
đắc dĩ của má. Má đã băm sáu rồi, mà tôi thậm chí còn chưa lên mười. Má lúc nào
cũng có nhiều câu hỏi về chữ cái, cách phát âm, các trường hợp ngoại lệ và ý
nghĩa của nhiều từ ngữ khác nhau.
Má học sau bữa cơm tối trong lúc tôi làm bài vở. Má
con tôi ngồi bên nhau ở bàn ăn, mùi khói nhang muỗi khó chịu làm đầu óc má con
tôi quay quay. Má đọc những sách cũ của tôi, chữ nào không hiểu thì đánh vần to
lên. Thỉnh thoảng má đánh vần trật lất và tôi phải ngưng làm bài mà nhổm dậy
coi má đang đọc chữ gì. Tôi chỉ má cách phát âm và giảng nghĩa từ thì má liền
ghi xuống trang giấy. Chẳng bao lâu các sách cũ của tôi dày đặc những ghi chú
của má.
Giờ đây, khi tôi ngoái nhìn lại những buổi học ngày
xưa ấy, tôi thấy đó là cách học tập rất mau mở mang hiểu biết. Dạy má tiếng
Thái là giúp má một công cụ mà má sẽ dùng được trong đời má sau này. Đánh đổi
lại, vì tôi phải giảng giải các điểm tế nhị của tiếng Thái bằng tiếng mẹ đẻ của
má, tôi hiểu biết tiếng Hoa và văn hóa Trung Hoa nhiều hơn tôi mong đợi.
Lại còn những lợi ích khác nữa. Trong lúc má con tôi
tập dịch các mẩu ngụ ngôn của Aesop sang tiếng Thái, má thường liên tưởng đến
những chuyện tương tợ của người Hoa và kể lại tôi nghe. Tôi cũng được má khai
tâm bằng những thành ngữ, tục ngữ và phương châm vàng ngọc của người Hoa. Quả
tình, má hay nói lan man ngoài bài học, tìm ra những câu chuyện mới mẻ về quê
hương má, nhằm bảo đảm cho tôi sau này lớn lên khỏi mù tịt về văn hóa Trung
Hoa.
Ngày nay, tôi nhận ra mình đã thu liễm được biết bao
điều hay từ những buổi tối ở bàn ăn tháng năm xưa ấy. Vậy mà thuở đó, tôi chỉ
thấy mọi thứ đều làm phí phạm thời gian. Tôi học trường các bà xơ và họ tin
rằng cứ giao bài cho trẻ về nhà làm càng nhiều càng tốt; thế là tôi phải cố
nhồi nhét hết các thứ tiếng Thái, tiếng Anh và bài tính con toán. Giúp má thì
tôi không tập trung làm bài của mình được. Việc má xen vào giờ tôi học tập quả
là khó chịu. Nhưng má chẳng bao giờ bực dọc với tôi, hoặc có lẽ chỉ tại hồi ấy
tôi không để tâm chú ý. Tôi cứ nhớ mãi dáng má ngồi bất động khi đứa con gái
duy nhất của má cấm cẳn, càu nhàu, rồi thì má lại tiếp tục hỏi tới. Tánh má vốn
kiên quyết.
Giá là tôi, có thể tôi đã bỏ cuộc; còn má thì không.
Má học tiến bộ không thể tin nổi. Nội trong vòng năm năm, má có thể đọc được
bất cứ thứ gì viết bằng tiếng Thái, từ tiểu thuyết và sử sách cho tới báo chí.
Một khi đã nắm vững tiếng Thái rồi, má lại chuyển sang tiếng Anh.
Thâm tâm, tôi chưa bao giờ tin rằng má có thể đọc và
viết hữu hiệu. Thành thử ngày nay tôi coi mọi nét chữ má gởi cho tôi đều là một
phép lạ. Giống như hầu hết phụ nữ thuộc thế hệ má, suốt ngày má quần quật làm
việc nhà, chẳng mấy khi ra ngoài. Cuộc sống bao gồm những việc nội trợ cứ lặp
đi lặp lại và nghe những vở tuồng kiểu chuyện trong nhà ngoài phố phát trên đài
truyền thanh. Thế giới của một phụ nữ được cấu tạo bằng công việc nhà và những
giờ ngóng chồng tan sở, đợi con tan trường về nhà. Mà có khi, mãi đến khuya lơ
mới thấy mặt mũi ông chồng.
Trước khi má học tiếng Thái với tôi, má thường ngồi
hàng giờ lặng lẽ một mình, nét mày chau lại. Vẻ mặt căng thẳng làm cho má trông
già trước tuổi. Tôi vẫn còn nhớ, hồi nhỏ có lần thấy má ngồi trầm mặc như vậy,
mới hỏi: “Má đang làm gì đó?” Nét mặt đanh lại, má quát đuổi tôi ra khỏi phòng.
Tôi chẳng hiểu nổi vì đâu má giận tôi.
Về sau, khi đã hiểu ra nỗi u uất của má rồi, tôi gặp
một bà mẹ Triều Tiên sống ở Nhật cũng đối xử tương tự như vậy với đứa con gái
bé bỏng của bà. Tôi đã tha thiết muốn nói cho người mẹ ấy biết rằng, nếu bà
muốn thoát ra khỏi nỗi khổ sở của mình, bà phải học hỏi về những người quanh
bà, học cái tiếng nói và nền văn hóa của đất nước bà đang sống.
Đối với má, khả năng đọc tiếng Thái mở ra cho má cả
một thế giới mới mẻ. Má đã có thể hiểu được quê hương thứ hai của mình với
những lề thói của xứ sở này. Nét mặt khoan khoái của má chứng tỏ cho mọi người
biết rằng má mới tìm ra một nguồn hạnh phúc. Má thấy thoải mái với những người
chung quanh. Má có thể mua thuốc men khỏi nhờ ai đọc giùm tấm nhãn. Má có thể
đọc báo bất kỳ lúc nào má muốn và xem phim không còn làm phiền người khác. Quan
trọng nhất là má có thể ký tên vào các giấy tờ quan trọng mà chẳng phải nhờ cậy
bất cứ ai bảo cho biết là má có đang bị lừa gạt hay không. Má hết còn là gánh
nặng cho người khác.
Bây giờ má đang dạy các con tôi, lại một phép lạ nữa.
Công việc riêng không cho phép tôi dành nhiều thời gian cho con trẻ, nhưng má
đã đến ngay và chăm nom lũ trẻ một cách đáng tin cậy. Má chuyển dịch những khó
khăn của má xưa kia thành những bài học không thể nào thiếu được để dạy các
cháu ngoại. Má bảo bọn trẻ: “Lần đầu các cháu thử làm điều gì, bao giờ cũng sẽ
khó khăn. Khi các cháu ra sức làm cho bằng được, các cháu sẽ cảm thấy mình
không bao giờ thành công. Nhưng nếu các cháu cứ tiếp tục gắng công bền chí, sẽ
có ngày các cháu làm tốt việc đó một cách thật dễ dàng.”
Như thể để chứng minh cho quan điểm của mình, má nói
với lũ trẻ bằng một giọng Thái rõ ràng. Nghe má dạy các con tôi tiếng Thái với
giọng một người Thái, tôi mỉm cười và nhớ lại những buổi tối oi ả hai má con
ngồi bên nhau, cùng học tiếng Thái. Tuy nhiên má không phô trương những thành
tích của mình. Má nói giản dị rằng má không muốn làm một bà ngoại dạy các cháu
phải ngồi thẳng lưng nhưng chính bà ngoại lại lưng còng lọm khọm.
Sự học của má cũng ảnh hưởng tôi rất lớn. Một là, các
bài học tiếng Thái ban đêm của hai má con đã cho tôi khả năng hiểu rõ hai ngôn
ngữ Hoa, Thái dễ dàng. Hai là, tôi biết hết về sự dốt nát. Bằng cách này, khi
hướng dẫn các người phụ tá của mình hay khi dạy con cái mình, tôi nhẫn nại giúp
đỡ họ. Ba là, tôi tin rằng việc học hành không có giới hạn ở tuổi nào. Khi bước
sang tuổi ba sáu, giống như má, tôi bắt đầu học các môn mà trước kia tôi chưa
có cơ hội học hỏi. Tất cả những gì tôi đòi hỏi là sức khỏe và một niềm tin rằng
tôi có thể học được môn đó.
Quanh ta ai cũng vói được quả ngọt tri thức, nếu như
ta hụt hẫng thì chỉ riêng tại ta thôi. Đâu hề có lúc nào muộn màng để vin cành
hái trái, miễn là ta vui lòng giáp mặt, đương đầu với cuộc chiến đấu cam go ấy.
Huệ
Khải
18-12-1997
Theo Yuwadee
Tonsakulrung-ruang, My Mother, My Teacher,
1997.