PHÉP LẠ
ĐÊM SANG HÈ
Thế
giới trẻ thơ thường không thiếu thần thoại, không thiếu lòng tin vào sự hiện
hữu của tiên thánh. Qua đó, trẻ có chút mơ mộng, phát triển trí tưởng tượng,
được sống với một rung cảm, nhận thức mang sắc thái siêu nhiên kỳ bí. Tâm hồn trẻ
thơ vì thế được phong phú thêm hơn... Nhưng lẽ tự nhiên, đến một tuổi nào đó,
có thể sớm hơn ở trẻ này, muộn hơn với trẻ kia, chuyện tiên thánh trong thần
thoại không còn được trẻ dễ dàng chấp nhận nữa. Trẻ sẽ bắt đầu đặt một dấu hỏi
về tính hư ảo hay chân thực của vấn đề.
Cha mẹ
thường là người đầu tiên đưa trẻ vào cõi thần thoại, và cũng chính cha mẹ sẽ là
người dắt trẻ bước ra thế giới mộng tưởng đó. Đưa vào và dắt ra như thế nào, đó
là cái khéo khôn tế nhị của mỗi người. Qua câu chuyện sau đây của MARY KAY ROTH, người đọc có thể chia sẻ
kinh nghiệm của chị.
*
Tháng Sáu hàng năm, vào cái đêm trước khi mùa hè
chính thức bước sang, gia đình chúng tôi lại tái diễn một tập tục. Đưa chén cho
bọn trẻ, chúng tôi bảo các cháu nhặt lấy những thứ gì trong thiên nhiên có thể
nhắc chúng nhớ mùa hè đang tới. Trẻ đặt các chén trên hàng hiên trước nhà và
mọi người sẽ cùng đi dạo. Lúc quay về chúng tôi sẽ nhận ra các vị tiên đã hóa
phép cho mấy chén ấy đầy kem trái cây.
Tôi không biết chắc do đâu nảy sinh tập tục này. Tôi
cho rằng nhiều năm trước kia tôi hay nói lan man về các vị tiên, và thế là có
tập tục này. Nhưng kể từ đấy, nó là một trong những nghi thức chúng tôi ưa
thích.
“Khi nào các vị tiên sẽ đến?” Đầu tháng Sáu năm
ngoái, con gái sáu tuổi của chúng tôi hỏi thế, háo hức mong ngóng.
Trong lúc đó con trai tôi chín tuổi đã khôn ra, không
còn tin có tiên, có ông già Nô-en và các thứ đại loại như vậy. Khi màn đêm
buông xuống, tỏ ra khá tự phụ, cháu nháy mắt, cười khúc khích và có bộ dạng
kiêu ngạo của thằng con trai chín tuổi.
Cháu nói cháu sẽ hiểu hết nếu như giữa cuộc dạo chơi,
ba hay má bỏ quên món gì đó và quay về nhà. Nháy nháy mắt, cháu tuyên bố hoặc
giữa lúc dạo chơi ba hay má lấy xe chạy đi lo chút việc vặt. Hí hí, cháu cười.
Cháu đã hình dung ra mọi sự, hoặc giả cháu nghĩ là cháu đã hiểu.
Đêm xuống, kỳ ảo và ngọt ngào êm dịu. Bọn trẻ đã nhặt
nhạnh lá cây cùng ngọn cỏ, đá sỏi với mấy quả be-ri, nhánh khô và xác côn
trùng. Chúng tôi đặt chén của hai cháu trên hàng hiên trước nhà và mọi người
cất bước dạo chơi. Nhưng dọc đường, ở một khu phố, tôi kêu lên rằng đã quên
chìa khóa và cần phải quay về.
Cháu trai nhe răng cười ra vẻ đã biết cả mà.
Tôi nói thêm: “Ồ khoan đã, má đã thấy chìa khóa rồi.
Má không cần trở về nữa.” Khi chúng tôi tiếp tục cất bước, con trai tôi bắt đầu
hơi bối rối.
Về gần đến nhà, tôi nói hờ cho bọn trẻ biết rằng có
thể các vị tiên chưa tới, và có lẽ cả nhà nên đi loanh quanh thêm vài khu phố
nữa. Cháu trai dường như an tâm. Cháu nói: “Phải, có thể các vị tiên đã không
tới.”
Tuy nhiên khi chúng tôi đến hàng hiên, các chén vẫn ở
nguyên chỗ chúng tôi đã đặt để, miệng chén đầy vun kem trái cây.
Con gái tôi chấp nhận tất cả điều này với lòng thơ
ngây vui sướng trọn vẹn và háo hức muốn ăn. Còn cháu trai thì ngỡ ngàng, nín
lặng, sượng sùng. Cháu nhìn tôi, nhìn ba cháu, rồi ngạc nhiên đảo mắt nhìn
quanh hàng xóm.
Khi mọi người ngồi vào bàn tiệc, con trai tôi lắp
bắp: “Các vị tiên hẳn là đã tới. Có lẽ... có tiên thật... Đây là phép lạ à?”
Suốt buổi tối con trai tôi im thin thít, mải nghĩ ngợi trong đầu về sự việc này.
Tôi hôn hai con, chúc ngủ ngon rồi kéo chúng vào giường. Nhưng lúc hai giờ
sáng, cháu trai bò vào giường nằm cạnh tôi.
Cháu thì thào: “Má à, con không ngủ được. Má phải nói cho con biết. Má làm cách nào vậy?”
Khi đứa trẻ lên
chín, bạn cần trả lời thẳng thắn câu hỏi thẳng thắn của trẻ. Thế nên tôi nói
cho cháu biết tôi đã nhờ bà hàng xóm giúp. Sau khi mọi người bước ra ngoài dạo
chơi, bà ta lẻn sang nhà chúng tôi và cầm lấy các chén...
Con trai tôi
nhoẻn miệng cười khúc khích trong nỗi nhẹ nhõm và cảm ơn tôi đã cho cháu biết
đầu đuôi. Rồi thằng bé cuộn mình trong chăn và ngủ thiếp đi.
Và cũng ngay vào lúc đó, đúng ở khoảnh khắc ấy, tôi
cũng tin phép lạ có thực.
Huệ Khải
22-7-1999
Theo Mary Kay
Roth, A NIne-Year-Old’s Brush with Magic,
1994.