CON
KHỦNG LONG NHỰA
Làm
cha mấy ai biết nhìn con trẻ, thông cảm những hành vi, cư xử của trẻ bằng cái
nhìn và tâm hồn của đứa trẻ. Phần đông, đứa con bị nhìn qua tấm lăng kính già
nua dần theo tuổi tác người cha. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến cha và
con thường hay thiếu đồng điệu chan hòa. Để sửa chữa lỗi lầm đó, có lẽ nên theo
lời Đức Lão Tử khuyên: Hãy lấy lòng thiên hạ làm lòng mình. (Dĩ bách tính tâm
vi tâm.) Phải chăng thiên hạ trong đời ta còn là con cái ta? Câu
chuyện của DAN SCHAEFFER (mục sư,
một vợ, ba con) có thể trả lời câu hỏi đó.
*
Khi tôi đang cho xe ra đường để đi làm mấy việc lặt vặt thì con trai tôi
chạy ùa tới, vẻ hào hứng ngời lên trong ánh mắt cháu. “Bố ơi, con có món quà
tặng bố nè.”
“Thật sao?” Tôi hỏi mà chẳng vui vì bị trì hoãn. Cháu xòe mấy ngón tay ra
để cho thấy những báu vật của tuổi lên năm. “Con tìm mấy cái này tặng bố đấy.”
Nằm trong đôi bàn tay bé nhỏ là một viên bi, một chiếc xe đua cũ bằng thiếc,
một miếng băng cao su đã đứt và nhiều món khác mà tôi không nhớ hết. “Cầm đi,
bố. Của bố đấy.” Cháu liến thoắng với vẻ hãnh diện.
“Ngay bây giờ thì bố không nhận được, con ạ. Bố phải đi mấy nơi. Sao con
không cất trong nhà xe cho bố?”
Nụ cười của cháu vụt tắt, và từ lúc xe lăn bánh ra đi lòng tôi day dứt
không yên. Sau đó, khi trở về, tôi hỏi cháu: “Mấy món đồ chơi xinh xinh con tìm
cho bố đâu cả rồi?”
“Con tưởng bố không cần nên đã cho Adam hết rồi.”
Cháu Adam nhà ở cuối phố, và tôi có thể hình dung được chú bé đã nhận những
bảo vật ấy với lòng biết ơn nhiều hơn tôi lúc nãy. Quyết định của con làm tôi
đau lòng, nhưng cũng đáng đời tôi lắm, vì nó không những cho thấy rõ là tôi đã
phản ứng vô ý thức trước thiện ý của con mình mà lại còn khơi lại trong tôi
những ký ức về một chú bé khác.
Đó là sinh nhật chị, và chú được cho hai đô để mua quà tặng chị mình. Chú
đảo qua đảo lại gian hàng đồ chơi nhiều lần. Món quà phải cho đặc biệt. Cuối
cùng chú nhìn thấy một món đồ chơi bằng nhựa dẻo chứa đầy kẹo cao su màu sắc
rực rỡ, loại kẹo có thể nhai mà thổi thành bong bóng được. Ngay khi mang nó về
nhà chú đã muốn chìa ra cho chị mình thấy nhưng rồi cương quyết cưỡng lại ý
muốn ấy.
Sau đó, tại buổi tiệc sinh nhật có bạn bè của chị đến dự, chị chú bắt đầu
mở các gói quà. Cứ mở ra một món là cô chị lại kêu rú lên mừng rỡ, và cứ mỗi
lần nghe thấy thế chú lại càng bồn chồn, bứt rứt hơn. Những trẻ tám tuổi có thể
tiêu nhiều hơn hai đô. Gói quà của chú giờ đây dường như nhỏ bé hơn và kém ý
nghĩa hơn. Tuy nhiên chú vẫn háo hức chờ xem ánh mắt chị mình lóe lên khi mở
gói ra.
Cuối cùng, khi cô chị mở món quà của chú, thì chú nhận ra vẻ thất vọng của
chị mình, thậm chí là vẻ bối rối, ngượng ngập. Để giữ thể diện với đám bạn cùng
trang lứa, cô chị không thể nhận món quà ấy với quá nhiều sốt sắng, nhiệt tình.
Cô chị mỉm cười với các bạn một cách đầy ngụ ý. Cô bảo chú em, giọng kẻ cả:
“Cảm ơn nhé, đúng là món chị cần.” Mấy cô gái cố kềm mà không giữ nổi tiếng
cười khúc khích.
Chú bé ngượng và đau lòng. Cái món đã tưởng đẹp đẽ thế kia mà nay trông
chẳng khác gì một vật bằng nhựa rẻ tiền. Chú bước ra ngoài, đi về phía sau hè
và bắt đầu khóc.
Chẳng mấy chốc mẹ đến bên và dịu dàng hỏi đầu đuôi. Chú cố hết sức giãi bày
sự tình.
Mẹ lắng nghe, rồi đi vào. Mấy phút sau, cô chị ló mặt ra. Nhìn dáng vẻ chị
mình, chú biết mẹ đã bảo chị đến với chú, nhưng lòng hối hận chân thật của chị
nhắc chú nhớ rằng chị mình đã không chủ tâm xấu bụng. Chị chú thật sự thích món
quà của chú. Chú nói rằng chú đã hiểu, và thật thế. Chị chú đúng là dễ thương.
Giờ đây mọi thứ xoay vần, lịch sử được lặp lại. Thay vì là tôi và chị, lại
chính con trai tôi là người sẽ phải tự mình quyết định xem ý tưởng của cháu có
đáng giá không. Và cách ứng xử của tôi sẽ đóng một vai trò quan trọng trong
quyết định của cháu.
*
Giáng Sinh năm ấy các con tôi được cho tiền mua quà tại một hội chợ hàng
thủ công mở tại trường. Bọn trẻ ráng giữ không hé lộ cho tôi biết xem tôi sẽ
nhận được gì, nhất là con trai tôi. Ngày qua ngày cháu chẳng cho tôi đoán được
quà ấy có thể là món gì.
Sáng hôm Giáng Sinh cháu nài tôi phải mở quà của cháu trước tiên. Tôi tháo
lớp giấy bọc ngoài và nhìn vào: Quả thật là món quà đẹp nhất mà tôi được nhận.
Giờ thì tôi không còn nhìn nó bằng con mắt lãnh đạm của kẻ ba mươi ba tuổi đời
nữa. Trái lại, tôi nhìn nó với ánh mắt háo hức của trẻ lên năm.
Món quà của tôi là một con khủng long nhỏ, bằng nhựa dẻo màu xanh lục,
thuộc họ Tyrannosaurus rex với hai chân trước bé mà đầu thì to. Con trai
tôi mau mắn chỉ rõ ưu điểm con thú: Các móng vuốt ở chân trước cũng là chiếc
kẹp, thành thử có thể đeo nó luôn trên người được. Ánh mắt cháu tràn trề thương
yêu và mong đợi, thứ mà ta chỉ gặp ở đôi mắt trẻ thơ.
Tôi biết cháu đã phải băn
khoăn biết bao nhiêu tại hội chợ để tìm ra món quà sẽ chở chuyên được hết những
tình cảm cháu dành cho tôi. Thế là tôi đáp lại theo cái cách mà một trẻ năm
tuổi sẽ hiểu được. Tôi kẹp con khủng long vào ve áo rồi hào hứng thốt lên rằng
con vật mới “điệu” làm sao và quả tình cháu nói đúng lắm, tôi rất thích nó.
Cho nên lần sau bạn có bắt
gặp một kẻ già đầu rồi lại đeo chiếc cà vạt giấy thô kệch hay gắn trên người
một con sâu bướm đáng giá năm xu, thì xin bạn đừng mất công tội nghiệp giùm cho
kẻ ấy. Nếu bạn bảo hắn rằng trông hắn ngốc ngếch thì hắn sẽ đáp: “Có lẽ thế,
nhưng tôi có đứa con trai năm tuổi và kho bạc nước Mỹ cũng không đủ tiền để mua
của tôi món này.”
Và đó là lý do vì sao tôi
đeo một con khủng long bằng nhựa.
Huệ Khải
14-9-1998
Theo Dan
Schaeffer, Why I Wear a Plastic Dinosaur,
1993.