Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

08 CHÂN DUNG MẸ (AI ĐO LÒNG BIỂN)


CHÂN DUNG MẸ
Mẹ là hình bóng khắc họa và ảnh hưởng suốt đời con ra sao? Vai trò thầm lặng của mẹ trong gia đình là thiệt thòi cho mẹ nhưng sự hy sinh đó sẽ tác động như thế nào suốt quãng đời con sau này? Tại sao bố mẹ ngày xưa ít ly dị hơn đời nay? Những câu hỏi tại sao và tại sao còn tiếp tục đặt ra chung quanh vấn đề cha mẹ và con cái trong cuộc sống chung dưới mái gia đình. Qua bài viết của mình, nhà báo Mỹ BOB GREENE (sinh năm 1947) đã phần nào trả lời những câu hỏi nói trên.
*
Trong suốt những năm từ lúc tôi chào đời cho đến khi ba anh em chúng tôi ra riêng, má chưa bao giờ có một việc làm ăn lương. Giả dụ như ai đó yêu cầu má viết bản sơ yếu lý lịch, mục “nghề nghiệp” sẽ để trống.
Công việc của má, như má thấy, là làm mẹ lũ chúng tôi trọn cả thời gian. Má chọn công việc này tự nguyện.
Có tấm ảnh ba má chụp năm 1942, lúc đang tuần trăng mật. Ba má ngồi ở một bàn trong nhà hàng, bố mặc quân phục; còn má, tôi nghĩ, trông đẹp lắm. Hồi ấy má mới hăm ba.
Nhìn tấm ảnh, tôi bắt gặp một phụ nữ, nếu mà ở tuổi hăm ba đúng vào thời bây giờ, người phụ nữ ấy sẽ có được vô vàn chọn lựa sẵn dành. Mà má đâu chỉ có xinh đẹp; rõ ràng là má còn lanh lợi và hoạt bát nữa. Tôi biết rằng nếu như trước kia má quyết định đeo đuổi sự thành đạt trong nghề nghiệp, thì bao nhiêu cánh cửa đã mở ra đón má rồi.
Lý lịch má chứng minh điều ấy; má được đào tạo ở trường Đại Học Wellesley,([1]) và khi tốt nghiệp má là hội viên Hội Ái Hữu Sinh Viên Phi Beta Kappa.([2]) Quả thực má là người thông minh nhất mà tôi biết.
Vậy mà lúc nào má cũng xác định vai trò của mình là làm vợ và làm mẹ. Trong chốn thị thành nơi chúng tôi sống, má được trọng vọng vì những công việc xã hội má tình nguyện làm, nhưng nếu có ai hỏi má làm gì, má chẳng hề do dự trả lời ngay rằng má là vợ ông Robert Greene, và là mẹ của Bobby, Debby và Timmy Greene.([3])
Tôi còn nhớ như in những lúc tan học về nhà ăn cơm trưa. Lúc nào má cũng ở nhà, và khi ba anh em tôi bước vào qua cửa sau, má đang dọn bàn ăn.
Tôi cho rằng đời nay nhiều phụ nữ thường thấy là việc ấy làm uổng phí tiềm năng họ. Làm sao mà một phụ nữ thông minh, nhiều ước vọng lại bằng lòng với việc nồi cơm trách cá cho được?
Tôi chẳng thể trả lời đâu. Nhưng, nếu như suốt những năm tháng sau này, tôi vẫn còn cảm thấy được cái tâm trạng lúc chạy ùa qua cửa sau và thấy má ở phòng ăn, thì cái việc bếp núc ấy ắt hẳn phải có một giá trị hay tầm quan trọng nào chứ.
Ngày nay lẽ ra má là một người chỉ huy, một doanh nhân hay một tác gia. Nếu như má có từng nghĩ tới những điều ấy vào những năm 1950 và 1960 thì má cũng chẳng đời nào hé môi.
Bạn bè thân thiết của tôi thời trung học cả thảy là năm đứa, thì ba đứa đã chịu cảnh vợ chồng dắt díu nhau ra tòa. Còn bạn bè thân thiết của ba má tôi, cả chục cặp hay hơn thế nữa, chẳng một ai ly hôn ly dị chi hết.
Có phải hồi xưa đàn ông đàn bà yêu nhau thắm thiết hơn chăng? Chả chắc đâu. Có phải họ đã cảm nhận được cái ý vị của sự ràng buộc phải chung sống bên nhau, cái ý vị của sự ràng buộc mà những cuộc hôn nhân đời nay đánh mất? Có lẽ thế.
Tôi thuộc về một thế hệ mà xét chung thì đã được dưỡng dục trong những gia đình chung sống bên nhau, có những bà mẹ suốt ngày thui thủi trong nhà. Và tôi chẳng thèm đánh đổi điều đó để lấy bất kỳ cái gì khác. Nếu như má đã từ bỏ những hạnh hưởng cho riêng mình theo cái cung cách ngần ấy năm đời má, tôi biết má không chịu từ bỏ những hạnh phúc cho Debby, hay Timmy, hoặc cho tôi. Và nếu có bất kỳ điều chi tốt đẹp về anh em tôi, phần nhiều sự tốt đẹp đó có được bởi vì chúng tôi có một người mẹ đã xác định công việc của mình là làm mẹ anh em chúng tôi.
Hồi nhỏ tôi nghĩ rằng trong buồng tôi có ông kẹ hay ma quái. Trước lúc đi ngủ, tôi thường nhờ má xua đuổi hết bọn chúng ra khỏi buồng. Trong phần lớn cuộc đời chúng ta, trách nhiệm riêng của chúng ta chính là xua đi những cái ma mãnh, xấu xa. Trong mấy năm ngắn ngủi đầu đời, những bà mẹ của chúng ta có mặt để làm giùm ta công việc ấy.
Tôi nghĩ rằng nhiều phụ nữ ngày nay thường e sợ sống đời làm mẹ. Thời thế đã thay đổi nhiều đến nỗi rằng, đối với một phụ nữ thông minh lanh lợi, thì làm cái việc má tôi đã làm - hiến trọn đời mình cho chồng con - dường như chẳng những trói buộc tù túng mà lại còn hơi nguy hiểm nữa. Tôi hy vọng rằng má, khi nhìn lại đời má, sẽ cảm thấy rằng má đã làm đúng.
Tất cả chúng ta kinh qua những thế giới của người lớn và giả bộ rằng chúng ta đích thực chính là những kẻ trưởng thành chứ chẳng hề là gì khác. Dẫu thế, nhiều người trong chúng ta có lần đã làm trẻ nhỏ vội vàng chân sáo về nhà ăn bữa cơm trưa, và biết rằng có người đang chờ cơm mình. Việc ấy xưa quan trọng mà nay cũng quan trọng, và điều hạnh phúc hơn hết trong đời tôi đó là người phụ nữ trong tấm ảnh này đã từng chờ cơm tôi.
Huệ Khải
19-01-1994
Theo Bob Greene, The Woman in the Photograph, 1990.




([1]) Wellesley là khu ngoại ô thành phố Boston, bang Massachusetts. Ở đây có trường Đại Học Wellesley dành riêng cho nữ sinh viên, mở cửa năm 1875. Trường rất tên tuổi, gây nhiều ảnh hưởng tốt trong các phong trào hoạt động xã hội.
([2]) Phi Beta Kappa là hội ái hữu sinh viên và cựu sinh viên, thành lập năm 1776 tại Đại Học William và Mary, bang Virginia (Mỹ). Muốn làm hội viên, phải có thành tích học tập xuất sắc ở đại học.
([3]) Greene là họ của người chồng. Bobby (hay Bob) là tác giả. Em gái tác giả là Debby, còn Timmy là em trai.