GIA TÀI CỦA BỐ
Nhiều
khi bố mẹ buộc con cái làm những việc mà trẻ vẫn cho rằng vô lý. Dẫu bố mẹ có
giải thích, chắc gì con trẻ đã thực sự hiểu ra. Mà khi kịp hiểu, đứa con năm
xưa nay đã là cha là mẹ. Trong một vài trường hợp nào đó, phải chăng cũng cần
có thời gian để giúp con cảm nhận cho hết cái bao la của lòng cha mẹ thương
con? Hồi ức của WAYNE KALYN biết đâu cũng là một trường hợp tương tự của không ít
những ai đã từng một thời làm trẻ nhỏ.
*
Tôi nhớ ngày
ấy lần đầu tiên bố, thân hình nhỏ bé, khệ nệ khuân cây đàn accordion leo lên
bực thềm trước nhà. Bố gọi hai mẹ con vào phòng khách và trịnh trọng mở cái
thùng ra như thể nó là một chiếc rương châu báu. Bố nói: “Nó đây nè. Một khi
con biết chơi đàn, nó sẽ bên con suốt đời.”
Bố cười rạng
rỡ còn tôi lại mỉm cười gượng gạo vì lẽ tôi vốn mong cầu ước có cây đàn guitar
hay piano. Hồi ấy là năm 1960, tôi vẫn mê say với cái radio, nghe Del Shannon
(1934-1990) và Chubby Checker (sinh năm 1941) hát.
Trong những
bài hát ưa thích của tôi không có chỗ nào cho những cây đàn accordion cả. Khi
nhìn những nút phím trắng bóng và cái túi hơi màu kem của cây đàn, tôi như nghe
thấy cả lời trêu chọc của lũ bạn bè.
Trong hai tuần
lễ sau đó, cây đàn accordion cứ nằm im trong tủ. Thế rồi vào một buổi tối bố
thông báo tuần tới tôi sẽ bắt đầu học đàn. Lòng phân vân, tôi nhìn mẹ cầu cứu.
Vẻ mặt nghiêm nghị của mẹ cho tôi biết rằng tôi vô phương tránh né.
Tiêu hết ba
trăm đô mua cây đàn và trả năm đô cho mỗi bài học là việc không phù hợp với
tính bố. Lớn lên trên một nông trại ở bang Pennsylvania , là nơi mà cả cái ăn cái mặc,
cái than cái củi lắm khi đều thiếu thốn, Bố lúc nào cũng thực tế.
Trước khi tôi
chào đời, bố mẹ dọn về căn nhà hai tầng của ông bà ngoại ở thành phố Jersey,
bang New Jersey .
Tôi đã lớn lên
ở đó, trên tầng lầu; ông bà ngoại sống dưới tầng trệt. Mỗi ngày trong tuần bố
mất hết ba giờ đi tới Long Island (hòn đảo ở bang New York ) và trở về nhà vì bố làm quản đốc tại một công ty sửa chữa
động cơ phản lực tại đó. Những ngày nghỉ cuối tuần, bố cặm cụi trong nhà kho
dưới tầng hầm, đóng những mảnh gỗ dán thành chiếc tủ đựng dụng cụ này hay sửa
chữa một món đồ chơi nọ. Là người ít nói và thiếu bạo dạn, những lúc đó bố mới
thoải mái hơn bao giờ hết.
Chỉ có âm nhạc
mới đem bố ra khỏi cái thế giới dụng cụ đồ nghề và đồ án kế hoạch của bố. Một
lần lái xe ngày Chủ Nhật, bố liền mở radio nghe. Ở những chỗ đèn giao thông bật
sang màu đỏ, tôi lại thấy bàn chân bố đánh nhịp. Bố dường như bám sát theo từng
nốt nhạc.
Chưa hết, tôi
thật bất ngờ khi sục sạo trong một chiếc tủ, tìm thấy một cái hộp mà tôi thấy
giống hộp đựng cây đàn guitar nhỏ. Mở ra, tôi bắt gặp cây violin xinh đẹp, sáng
bóng. Mẹ bảo: “Của bố đấy. Ông bà nội mua cho bố cây đàn đó. Mẹ đoán chừng bố
quá bận bịu ở nông trại chưa bao giờ học đàn được.” Tôi cố gắng tưởng tượng ra
hình ảnh đôi bàn tay thô ráp của bố khi kéo đàn, nhưng không sao hình dung nổi.
Sau đó không
lâu, tôi bắt đầu học đàn ở cái trường nằm kẹt giữa một rạp hát cũ và một tiệm
bán bánh pizza. Ngày học đầu tiên, vai choàng đai đeo đàn, tôi cứ lóng ca lóng
cóng. Tan lớp, bố hỏi: “Cháu học thế nào ạ?” Thầy đàn đáp: “Bữa đầu học tốt.”
Bố rạng rỡ hy vọng.
Mỗi ngày tôi
được lệnh thực tập nửa tiếng, và mỗi ngày tôi ráng nuốt cho xong nửa giờ đó.
Tương lai của tôi dường như là ở ngoài trời chơi banh đá bóng, nào phải đâu
trong bốn bức tường gò gẫm những bản nhạc mà tôi sẽ mau chóng quên tuốt luốt.
Thế nhưng bố mẹ cứ buộc tôi phải tập.
Dần dà, ngạc
nhiên thay, tôi có thể kết hợp các nốt lại với nhau và phối hợp hai bàn tay để
chơi những bản đơn giản. Thường thì sau bữa cơm tối, bố lại bảo tôi đàn một hai
bài. Trong lúc bố ngồi thoải mái trong ghế, tôi vụng về đàn bài “Thiếu Phụ
Tây Ban Nha” và bài “Điệu Múa Polka Thùng Rượu Bia”.
Bố thường bảo:
“Hay lắm, hay hơn tuần trước.” Thế rồi tôi lại làm luôn một lèo những bản bố
thích, “Thung Lũng Sông Hồng” rồi “Ngôi Nhà Trên Đồng Cỏ”, và bố
sẽ thả hồn chìm vào giấc ngủ, tờ báo gập lại trên đùi. Tôi xem đó như một lời
khen ngợi rằng bố đã có thể thư giãn được nhờ ngón đàn mê hoặc của tôi.
Một tối tháng
Bảy nọ tôi đang chơi gần như hoàn hảo bài “Trở Về Thành Sorrento ” thì bố mẹ gọi tôi ra khung cửa
sổ đang mở. Một bà láng giềng trọng tuổi, vốn ít khi thấy ra khỏi nhà, đang tựa
người vào xe của chúng tôi và mơ màng hát nho nhỏ theo điệu nhạc. Chừng tôi đàn
dứt bài, bà mỉm cười tươi tắn và gọi to: “Bác nhớ bài hát đó khi còn nhỏ ở bên
Ý. Hay, hay lắm!”
Trong suốt mùa
hè, bài học của thầy đàn càng khó hơn nhiều. Tôi mất cả chục ngày mới luyện
được. Lúc nào tôi cũng nghe thấy đám bạn chơi những trò náo nhiệt ở bên ngoài.
Tôi còn nghe chúng thỉnh thoảng trêu ghẹo: “Ê, cái đàn khỉ gió của mi đâu rồi?”
Sự chòng ghẹo
đó dẫu sao cũng ngăn trở buổi độc tấu mùa thu sắp tới. Tôi sẽ phải trình tấu
một mình trên sàn diễn của rạp chớp bóng nơi tôi ở. Tôi muốn bỏ quách tất cả.
Một buổi chiều Chủ Nhật nọ khi ngồi xe với bố, tôi không đè nén lòng mình được
nữa.
Tôi nói: “Con
không muốn biểu diễn độc tấu.”
Bố bảo: “Con
phải biểu diễn.”
Tôi hét lên:
“Tại sao chứ? Có phải vì hồi nhỏ bố đã chẳng phải chơi violin không? Tại sao
con phải đánh cái đàn mắc dịch này khi mà bố chẳng bao giờ phải kéo cây đàn của
bố cả?”
Bố cho xe tấp
vào lề và điểm mặt tôi: “Bởi vì con có thể mang đến cho mọi người niềm vui. Con
có thể rung động trái tim của họ. Đó là một tặng vật mà bố sẽ không bao giờ để
cho con quẳng đi mất.”
Bố dịu giọng
nói thêm: “Rồi ngày nào đó con sẽ có được cái cơ hội mà bố không bao giờ có:
Con sẽ đàn cho gia đình con bản nhạc hay. Và con sẽ hiểu tại sao lâu nay con
học vất vả như vậy.”
Tôi nín lặng.
Tôi ít khi nghe bố nói về một điều gì với cái cảm xúc như vậy. Từ bữa ấy trở
đi, tôi tập đàn mà không cần bố mẹ sai khiển.
Buổi tối hôm
trình diễn, mẹ đeo hoa tai lấp lánh và trang điểm kỹ hơn mọi khi. Bố tan sở về
sớm, mặc com lê và thắt cà vạt, tóc chải sáp mượt. Bố mẹ chuẩn bị xong trước cả
giờ đồng hồ, thế là cả nhà ngồi ở phòng khách chuyện trò mà lòng cứ lo ngay
ngáy. Không ai nói ra nhưng tôi hiểu buổi trình diễn này đối với bố mẹ là một
giấc mơ được trở thành hiện thực.
Tại rạp hát
tôi bỗng thấy phấn chấn khi nhận ra mình muốn làm bố mẹ được hãnh diện biết
bao. Cuối cùng thì cũng tới lượt tôi. Tôi bước đến chiếc ghế nằm lẻ loi trên
sàn diễn và trình tấu bản “Có Phải Đêm Nay Lòng Em Hiu Quạnh?” mà chẳng
vấp phải một lỗi nào. Tiếng vỗ tay òa vỡ, mà khi đã lặng rồi vẫn còn một vài
người tiếp tục không thôi. Đầu tôi choáng váng, mừng là thử thách qua đi.
Sau buổi diễn
bố mẹ đi vào hậu trường. Cái dáng bố mẹ đi - đầu ngẩng cao, mặt ửng hồng - tôi biết bố mẹ hài lòng. Mẹ ghì chặt lấy tôi. Bố choàng một tay
qua người và ôm sát tôi. Bố bảo: “Con quả là cừ khôi.” Rồi bố bắt tay tôi và
chầm chậm thả bàn tay tôi ra.
Năm tháng qua
đi, cây đàn accordion trôi vào dĩ vãng đời tôi. Trong những dịp vui của gia
đình, bố có bảo tôi nhấn phím, nhưng tôi thôi không học đàn nữa. Khi tôi vào
đại học, cây accordion ở yên trong tủ, nằm bên cây violin của bố.
Sau khi tôi ra
trường được một năm, bố mẹ dọn đến một căn nhà ở thị trấn kế cận. Cuối cùng thì
bố cũng có được mái ấm riêng của mình ở cái tuổi năm mươi mốt. Ngày dọn nhà,
tôi không đủ gan ruột nói bố hãy bỏ quách cây accordion đi, thành thử tôi đem
nó về nhà tôi và cất nó trên tầng gác dưới mái nhà.
Nó vẫn ở yên
đó, một ký ức bám bụi, mãi cho tới nhiều năm sau này hai đứa con của tôi vào
một buổi chiều tình cờ phát hiện được. Một bé nghĩ rằng nó là một kho tàng bí
mật; bé kia lại tưởng bên trong có ma. Cả hai bé đều đúng hết.
Khi tôi mở
thùng ra, bọn trẻ cười lên và nói: “Chơi đi bố, chơi đi bố.” Miễn cưỡng, tôi
khoác cây đàn vào và đánh vài bản nhạc đơn giản. Tôi ngạc nhiên là ngón đàn của
tôi chẳng hề rỉ sét chút nào. Liền đó bọn trẻ nhảy múa xoay vòng và cười khúc
khích. Ngay cả vợ tôi cũng cười vui và vỗ tay đánh nhịp. Tôi sửng sốt trước nỗi
hân hoan vô bờ của ba mẹ con.
Lời nói của bố
vọng lại bên tai tôi: “Rồi ngày nào đó con sẽ có được cái cơ hội mà bố không
bao giờ có. Chừng đó con sẽ hiểu.”
Rốt cuộc tôi
biết được ý nghĩa của việc làm cần cù và hy sinh cho người khác.
Bố lúc nào
cũng đúng: Món quà quý báu nhất là làm rung động con tim những ai ta yêu dấu.
Sau đó tôi gọi
điện thoại cho bố biết rằng cuối cùng thì tôi đã hiểu. Vụng về lựa lời cho
đúng, tôi cảm ơn bố đã để lại cái gia tài mà ngót ba mươi năm đằng đẵng tôi mới
tìm thấy. Bố bảo: “Có gì đâu hở con.” Gịong bố nghèn nghẹn vì xúc động.
Bố chưa bao giờ biết tạo ra
những âm điệu ngọt ngào với cây đàn violin của mình. Nhưng bố không đúng đâu
nếu cho rằng bố sẽ chẳng bao giờ đàn cho gia đình mình nghe. Trong buổi tối
thần tiên ấy, khi vợ con tôi cười múa bên nhau, mấy mẹ con nghe tiếng đàn của
tôi đấy. Nhưng đó lại là khúc nhạc của bố tôi.
Huệ Khải
10-8-1994
Theo Wayne Kalyn, My Father’s Music, 1991.