NGÀY
BÃI TRƯỜNG
SHIRLEY LORD BACHELDER kể về một món quà đẹp, được gởi đến trong
lúc gia đình cô đang hồi khó khăn. Nhưng món quà đó lại khó dùng cho thích hợp.
Với một chút sáng kiến, biết quan tâm con gái, má cô đã làm cho món quà ấy khỏi
trở thành uổng phí, đồng thời còn mang tặng cho con gái một niềm vui.
*
Cái hộp được gởi tới vào một ngày tháng Sáu ấm áp.
Trước đây cũng có người gởi nhiều hộp tới, nhưng cái này lại giống như một cái
rương, được băng keo niêm kín và dây buộc hẳn hoi. Đoán trước những câu hỏi của
tôi, bà ngoại bảo: “Đừng, cháu ạ. Chừng nào má cháu về nhà thì bà cháu mình mới
mở hộp ra.”
Má làm kế toán cho một ngân hàng, sau sáu giờ mới về
nhà. Tôi reo lên ngay khi thấy má. Mười tuổi đầu, trong đời tôi những điều hào
hứng xảy ra đâu có nhiều nhỏi gì, và tôi không thể phí phạm lấy một phút nào.
Má mỉm cười bảo tôi: “Khoan đã, má đang mệt nè. Trước
tiên má muốn ăn cái đã.” Dẫu sốt ruột lắm, nhưng tôi biết đâu là giới hạn. Khi
bữa cơm tối dọn ra, tôi ăn lẹ làng, hy vọng má hiểu ý và cũng sẽ ăn mau mau.
Xong, tôi thu dọn chén dĩa và sắp ghế xung quanh cái hộp. Ba lại chơi tiếp trò
ô chữ, tỏ ra không quan tâm tới những gì đang diễn ra. Kể từ cuộc đình công ở
hãng tàu biển, cuộc sống đã nghiệt ngã đối với ba. Khi ba còn làm thuyền trưởng
trên tàu, ba có một vương quốc để chỉ huy. Ở nhà, ba dưới quyền hai phụ nữ.
Má giúp tôi tháo các nút thắt. Má con tôi không cắt
dây; chúng tôi để dành sợi dây vì dây cũng phải mua mới có, mà tiền nong trong
nhà lại eo hẹp.
Cuối cùng nắp hộp được lấy ra. Cái hộp đựng những
quần áo dì tôi gởi tới, một số ít trong đó trước kia là của Mimi, con gái dì.
Em ấy lớn hơn tôi một tuổi và sống ở một trường nữ bên Thụy Sĩ. Các áo váy của
Mimi đẹp và lạ, khác xa những áo váy bằng
vải bông kẻ sọc vuông má may cho tôi.
Tôi biết Mimi xinh đẹp. Dung mạo tôi ở mức thường
thôi, tóc xoăn tự nhiên, nhưng chưa bao giờ tôi có thể nói được là mình có xinh
đẹp hay không. Nếu hỏi má hoặc ngoại, luôn luôn tôi được bảo: “Đẹp như là đẹp
vậy.” Câu trả lời đó chẳng thích đáng chút nào. Tôi cảm thấy rất bình thường,
và trong khi khao khát nét xinh đẹp, tôi bằng lòng với vẻ xoàng xỉnh của mình.
Gần dưới đáy hộp là bộ đầm trắng và chiếc nón rộng
vành. Má giơ áo lên, bảo: “Má nghĩ cái này hợp với con đây. Mặc thử coi.”
Tôi tụt bộ váy đi học bằng vải bông ra và cảm thấy
bàn tay của má của ngoại đang lúng túng tròng cái đầm trắng lên người tôi. Nó
may bằng tơ mỏng, mềm mại, thắt ngang eo, tay áo như cánh hoa mảnh dẻ, phần váy
buông xòe ra. Khi tôi cột dây thắt lưng kết bằng hạt chuỗi nhỏ và đội nón lên đầu,
tôi chú ý thấy má và ngoại ngày thường vốn hay nói luôn mồm luôn miệng, thì nay
lại nín thinh, lặng lẽ. Tôi ngước lên và bắt gặp trên mặt hai người nụ cười
trong vẻ ngỡ ngàng. Tôi có cảm giác đang đứng lẻ loi trên sân khấu trong khi
thời gian ngưng đọng lại.
Rồi má bảo: “Shirley, xoay người đi con.” Tôi lặng lẽ
làm theo.
Cuối cùng ngoại bảo: “Bộ đầm này dành cho những dịp
tiệc tùng.” Má phụ họa, giọng thất vọng: “Và chẳng có đám tiệc nào để mặc nó
đâu.”
Bất chợt, gương mặt má rạng rỡ. Má reo lên: “A, ngày
bãi trường! Con sẽ mua cho cháu váy lót mới và đôi giày trắng cho hợp với bộ
đầm này và cháu sẽ mặc hôm bãi trường.”
Khi ba bước vào, má hỏi: “Anh Ralph, anh thấy bộ đầm
này thế nào?”
“Ờ... Coi đẹp ghê
há!” Ba nói vậy và mỉm cười bí ẩn với tôi.
Tôi háo hức với
bộ đầm này và với hy vọng có được đôi giày cùng váy lót mới. Nhưng tôi lại băn
khoăn về việc ăn mặc như thế mà tới trường.
Sáng sớm ngày bãi
trường, má và ngoại chuẩn bị một bồn nước nóng để cả hai cùng tắm rửa cho tôi.
Má cuộn tóc tôi thành những lọn xoăn dài. Tôi mặc váy lót, mang tạp dề mà ăn
sáng. Sau đó má săm soi mặt tôi, rửa lại rồi nói: “Vậy là yên tâm rồi.”
Khi đi làm, má
hôn tôi, bảo: “Má chúc con một ngày đáng yêu.” Cuối cùng, tôi đã sẵn sàng để
cuốc bộ nửa giờ tới trường. Tại ngưỡng cửa, ngoại giúi vào tay tôi chiếc khăn
tay trắng tinh, và nhắc nhở tới lần thứ mười rằng tôi đừng làm xây xước đôi
giày. Ngoại đứng ở cửa nhìn theo cho tới khi tôi khuất dạng.
Còn lại một mình,
càng lúc tôi càng băn khoăn về những gì đang diễn ra. Tôi chưa bao giờ thấy ai
đóng bộ thế này đến trường. Nó cứ như áo cưới cô dâu. Dù cái nón trên đầu tôi
thấy đẹp, tôi không biết mình sẽ cảm thấy thế nào khi đội nón bước vào lớp.
Đến trường vào
ngày bế giảng là một thủ tục. Không có bài vở cũng chẳng có liên hoan. Bọn học
trò chúng tôi sẽ nhận học bạ và gặp giáo viên sẽ dạy mình vào năm học tới. Tất
cả mọi thủ tục thường kéo dài không hơn một giờ đồng hồ.
Tôi tiếp tục bước
đi, ao ước có ai cùng trò chuyện, để họ nói cho biết xem tôi có sắp trở thành
kẻ ngốc nghếch hay không. Càng gần tới trường, nỗi e sợ càng lớn, nó quặn trong
dạ dày và muốn làm tôi nghẹt thở. Tôi nghĩ, chắc mình sẽ chết ngay tại đây, bên
vệ đường này.
Khi ngôi trường đập
vào mắt, tôi bắt đầu nghĩ tới những điều bọn con gái sẽ bình phẩm. Chúng có thể
nói: “Mày tưởng mày là ai vậy?” Hoặc: “Nè cô dâu, ai là chú rể thế?” Tôi nhớ
lời má chúc một ngày đáng yêu. Đây là mơ ước của má, nào phải của tôi. Má đâu
biết được đám bạn trong lớp tôi có thể độc ác đến mức nào.
Chỉ còn làm được
một việc thôi: Phó mặc ra sao thì ra. Thế là tôi sửa lại chiếc nón và bước đi
đàng hoàng (như ngoại thường bảo). Tôi định bụng chẳng nói gì hết, ai nói sao
cũng mặc kệ. Khi bước vào lớp học, tôi mỉm cười với tất cả mọi người.
Những phản ứng mà
tôi đã dự đoán lại không xảy ra. Cả lớp yên lặng. Mọi đứa bạn tôi trông đều
tươm tất, sạch sẽ trong những quần áo bảnh nhất của chúng. Nhưng chính cái vẻ
mong đợi trên mặt chúng làm cho tôi ngài ngại.
Billy ngồi cạnh
tôi cứ nhe răng cười. Đứa ngồi phía bên kia tôi thoáng nhìn ánh mắt tôi, rồi
bắt đầu tìm kiếm món gì đó trong hộc bàn. Tôi biết hộc bàn của hắn rỗng tuếch.
Một cô bạn xinh
xắn đứng dậy, bạo dạn bước xuống lối đi giữa hai dãy bàn, tỳ người vô bàn tôi,
nhìn tận vào mắt tôi. Tôi hầu như mất hết quyết tâm chế ngự tình thế này. Nhưng
đột ngột nhỏ bạn mỉm cười rồi trở về chỗ ngồi mà chẳng nói một lời.
Lo ngại người sau
lưng sắp nói rằng hắn bị cái nón che mắt nhìn, nên tôi lột nón ra. Billy nhe
răng cười, nói: “Đội lại đi.”
Bỗng dưng cô giáo
đi tới. Cô nhìn tôi, thoáng sửng sốt, bảo: “Trông em xinh lắm.” Rồi cô nhìn cả
lớp, khen: “Tất cả các em trông rất đẹp.”
Cô chuyền cho
chúng tôi các học bạ và hướng dẫn cả lớp đi tới lớp của cô giáo mới. Khi ngồi
xuống, dạ dày tôi lại bắt đầu quặn theo một điệu múa bướm chập chờn. Rõ ràng cô
giáo tỏ vẻ ngạc nhiên, và tôi chờ một lời phê bình. Nhưng trong một loạt những
điều cô ngăn cấm lại chẳng đả động gì tới việc đội nón vô lớp.
Tan trường! Cầm
học bạ và khăn tay tôi tiến về phía cửa hông. Trên lối đi hẹp cạnh trường, tôi
nghe có ai bước phía sau. Có thể là mọi chuyện chưa yên đâu, thế là tôi quyết
định phải đối mặt với tình thế gay go của mình. Quay lại, tôi gặp Billy. Hắn
vẫn cứ nhe răng cười. Chắc hắn đã dành lại cho tôi những lời chê bai? Tôi nín
thở.
Hắn nói: “Trông
bạn quả là rất đẹp.”
Tôi thở phào, đáp
lời: “Cám ơn bạn.”
Tôi bước đi, nhưng Billy còn muốn bắt chuyện thêm.
Hắn lại đuổi kịp tôi, hỏi: “Nếu tớ đi với bạn một đỗi thì bạn không phiền chứ?”
Lòng tôi nhẹ nhõm khi biết ra hắn không định chế nhạo tôi.
Hắn hỏi: “Bạn kiếm đâu ra bộ đồ này?”
À, ra thế, tò mò đấy.
Tôi xác định: “Của tôi. Tất cả là của tôi.”
Hắn nói: “Ý tớ chỉ
muốn nói là bạn mặc nó trông thật hay, có thế thôi mà.”
Chúng tôi bước đi
cho tới lúc hắn rẽ qua con đường về nhà hắn. Khi chia tay, tôi thấy hắn nhìn
theo. Tôi vẫy tay. Có thể mãi tới ngày tựu trường mới gặp lại hắn, nhưng tôi sẽ
nhớ rằng hắn đã xin đi cùng với tôi. Đó là một cảm xúc mới mẻ bất ngờ.
Điệu múa bướm trong dạ dày của tôi đã chịu êm, thậm
chí tôi còn cười được chút ít. Tôi đã thắng. Tôi tự nhủ: “Trông mình hẳn là đẹp
rồi. Chắc chắn mình đã có một ngày đáng yêu.”
Và khi ấy tinh thần tôi bắt đầu bay bổng lên cao.
Huệ
Khải
09-7-1998
Theo Shirley Lord
Bachelder, The Last Day of School, 1993.