TẠ ƠN BỐ LÀ BỐ CON
Trong quan hệ hàng ngày giữa con trai với cha, từ ấu thơ
cho đến lúc trưởng thành, bên cạnh những điều vui vẻ êm đềm làm sao khỏi phải
chen vào những việc buồn khổ xót chua, và chắc chắn cũng khó tránh được ít
nhiều lần xung đột gay gắt. Thế
rồi lòng tự ái của cha lẫn con đã buộc cả hai phải cứng lòng rắn dạ, không thể
nhẫn hòa mà xin lỗi nhau, mặc dù thâm tâm nào ai ghét bỏ gì ai. Tưởng đâu những
va chạm tình cảm đáng tiếc ấy sẽ dắt dẫn đứa con trai mãi mãi xa rời người cha,
và đồng thời làm nguội lạnh tấm lòng người cha khi nghĩ về con; nào ngờ rồi có
một lần cha và con bỗng có dịp mở rộng cánh cửa lòng mình. Câu chuyện của GEORGE EYRE MASTERS cho thấy thời gian còn là yếu tố góp phần hàn gắn và phục hồi
tình thương yêu cốt nhục thiêng liêng.
*
Đó là một ngày tháng Sáu tiêu biểu ở San
Francisco, trời mát và âm u. Xem báo, tôi chú ý rằng ở bờ biển phía đông nóng
lắm. Tôi lại lưu ý là sắp đến Ngày Của Cha (tổ chức hàng năm vào Chủ Nhật thứ
ba trong tháng Sáu). Cũng như Ngày Của Mẹ (tổ chức hàng năm vào Chủ Nhật thứ
hai trong tháng Năm), Ngày Của Cha chẳng bao giờ có ý nghĩa gì nhiều đối với
tôi. Nói chung, tôi coi những ngày ấy là dịp tốt cho nhà buôn, cơ hội thuận lợi
cho trẻ con.
Buông tờ báo
xuống, tôi nhìn bức ảnh trên bàn đã chụp ở bang Maine cách nay mấy mùa hè. Bố con tôi đứng
bên nhau, choàng tay qua vai nhau.
*
Tôi săm soi
tấm ảnh sát hơn. Hàng răng trên rụng mất, ông bố già nua của tôi cười ngoác mồm
ra giống như một tay chơi khúc côn cầu (hockey)
bạc đầu về hưu. Đó là người đàn ông lúc còn trẻ hơn đã thường chạy đuổi theo
tôi dọc bãi biển và tóm lấy tôi dìm xuống nước, là người lúc còn khỏe hơn đã
dạy tôi chèo thuyền, trượt băng và chẻ củi. Giờ đây, tuổi ngoài bảy mươi, con
mắt bố đã sụp xuống trên nét mặt dãi dầu. Tôi có thể ngửi thấy mùi thuốc lá bố
hút, mùi rượu uýt ky Tô Cách Lan bố uống và mùi dầu bố bôi lên tóc.
Tôi quyết định
gọi điện thoại thăm bố.
“Chào con.” Bố
hét lớn. Mẹ cầm lấy một ống nghe khác, nhắc bố gắn máy trợ thính vào tai.
“Lấy trong túi
tôi ở đây này.” Bố nói, và tôi có thể nghe tiếng sột soạt khi bố sờ soạng lục
tìm vật ấy.
Trong lúc đó,
mẹ kể về con chó mới nuôi: “Những khi nổi hứng nó phóng qua hàng rào và đi mất.
Bố con lo lắng và thức đợi cho tới lúc nó trở về. Đôi khi bố con ra đường lúc
hai giờ sáng gọi tìm chó, gây ầm ĩ phát khiếp. Chừng nó quay về bố con lại mắng
nhiếc nó bằng tiếng Tây Ban Nha, làm như thể chó cũng hiểu.”
Bố nói: “Nó
đang học mà. Mẹ con nghĩ bố là một lão ngốc, và có thể bà ấy đúng đấy.”
Mẹ nói: “Ông
vẫn đang hét tướng lên đó nghe.”
Chẳng đếm xỉa
mẹ nói gì, bố hỏi tôi làm ăn thế nào. Tôi kể cho bố nghe.
Bố nói lớn:
“Viết báo kiểu hành nghề tự do thì tốt, nhưng con cần được bảo đảm. Con không
nên làm trong quán rượu hay hành nghề xây dựng. Con có bằng đại học, sao không
dùng nó? Con sẽ làm gì nếu gặp yếu đau? Con biết nằm bệnh viện tốn kém bao
nhiêu không?”
Tôi đáp: “Con
không hiểu được bố. Bố hút thuốc và uống rượu quá chừng, không tập thể dục, ăn
toàn thứ chẳng mấy hiền, vậy mà bố cứ vẫn khỏe mạnh.”
“Con nói đúng.
Bố sống dai hơn mấy đứa bạn học của bố.” Bố nói điều đó chẳng chút phô trương.
Tôi nói: “Bố
ơi, con biết là Ngày Của Cha sắp tới rồi.”
“Thế hả?” Bố
bao giờ cũng không theo kịp thời sự.
Có một việc
tôi muốn nói với bố, mà lại khó khăn bộc bạch. Tôi muốn cảm ơn bố về những cuộc
chơi khúc côn cầu, những ván cờ, sách vở và những bữa ăn tối có tôm hùm.
Tôi không quên
rằng bố và tôi đã bất đồng với nhau trong bốn mươi bốn năm qua, hai bố con đã
giận nhau, chán nản nhau và nặng lời nhau. Nhưng tất cả những điều ấy dường như
đã xa lăng lắc cả rồi. Tôi muốn xin lỗi vì năm mười tám tuổi tôi đã đấm vào mắt
bố.
Nhưng điều tôi
nói ra lại là: “Con xin lỗi đã phóng qua chiếc xe mui xếp của bố.”
Cười khúc
khích, bố bảo: “Con mới sáu tuổi mà.”
Tôi vội vã nói
tiếp: “Bố nhớ không, lúc con muốn đút cục đường cho con lừa ở câu lạc bộ bóng
gậy (cricket), bố đã phát vào mông nó
và nó đá bố một cái?”
Bố cười to:
“Ờ, con vật chết tiệt đá vô đầu gối bố đau điếng. Con lúc nào cũng coi đó là
chuyện khôi hài.”
Tôi nói thêm:
“Và tất cả những con tàu bố đã cho con đặt chân lên.”
“Có vài chiếc
thôi mà.” Bố thú nhận. “Con à, con thực sự đang đưa bố quay về dĩ vãng đấy.”
Tôi nói với
bố: “Con yêu thích những con tàu.”
“Nhưng bố đã
không thể thuyết phục con vào hải quân. Con đã phải làm thủy quân lục chiến.”
Tôi chẳng nói
chi.
Bố tiếp tục:
“Hồi đó bố mẹ bay tới California để từ biệt
trước khi con sang Việt Nam .”
Mẹ nói: “Bố mẹ
trọ tại một lữ quán.”
Bố tiếp lời:
“Bố nhớ tối Chủ Nhật đó bố đã phải rời đi bằng trực thăng để đón một chuyến bay
khởi hành từ Los Angeles .
Con bước theo bố ra bãi đáp trực thăng và bố con mình bắt tay nhau. Con mặc
quân phục...” Giọng nói bố chùng lại. “Hồi đó bố chẳng biết có còn dịp nào gặp
lại con nữa không. Trên trực thăng bố khóc. Lòng bố tan nát, con sắp lên đường.”
“Con biết.”
Tôi nói, và cảm thấy có một cục gì chắn nghẽn trong cổ.
Bố nói, giọng
run run: “Bố mẹ van vái xin Trời phù hộ con. Thư từ con gửi về là lẽ sống của
bố mẹ.”
“Còn con thì
trông thư bố mẹ.” Tôi thốt lên, nước mắt ướt đằm, và tôi cố nuốt cho trôi cái
cục nghẽn ngang cổ. Cuối cùng, tôi ráng nén xúc động, nói: “Con gọi điện thoại
chúc bố một Ngày Của Cha hạnh phúc. Tạ ơn bố là bố con.”
Đầu dây bên
kia bố lặng thinh. Mẹ cũng thế. Sự câm nín lấp đầy khoảng trống của mạch điện thoHuệ
Khảại đường dài.
“Bố ước gì xưa
kia bố đã cư xử tốt hơn.” Giọng bố trầm xuống.
Tôi nói: “Bố
tốt lắm mà. Chẳng thằng con trai nào lại có thể có được một ông bố tốt hơn
đâu.”
“Con tốt bụng
nên nói vậy, chứ nào đúng thế. Bố ước gì sự thật đúng như con nói.” Bố nói với
giọng hối tiếc. “Thôi, bố gác máy đây. Con đừng tốn tiền điện thoại nhiều quá.”
Giọng bố run rẩy.
“Bố đừng lo
nghĩ về tiền điện thoại. Con thương bố.”
“Bố cũng
thương con.” Bố nói vội và liền gác máy.
“Con biết bố
xúc động lắm đấy.” Tiếng mẹ khẽ khàng ở ống nghe khác.
“Con biết.”
Tôi đáp, và mẹ con tôi từ biệt.
Sau khi gác máy, tôi nhìn tấm
ảnh tôi và bố chụp chung ở bang Maine .
Tôi lau nước mắt, và mỉm cười với tấm ảnh. Vâng, tôi biết rõ bố xúc động lắm.
Huệ Khải
28-9-1998
Theo George Eyre Masters, Thanks
for Being My Father, 1994.