Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

27 NHỮNG TẤM ẢNH GIA BẢO (AI ĐO LÒNG BIỂN)


NHỮNG TẤM ẢNH GIA BẢO
Thông thường, người ta chụp ảnh, rất nhiều ảnh, với mong muốn giữ lại cho ngày sau càng nhiều càng tốt những dấu tích hôm nay. Nhưng có khi cái hình ảnh được lưu giữ bền bĩ, rõ nét nhất lại không là những sắc màu hiện bày trên mặt giấy. Đó là điều nữ sĩ SUSAN J. GORDON muốn chia sẻ với mọi người.
*
Ngôi nhà của tôi đầy ắp hình ảnh. Chúng che kín các bức tường trong bếp, phòng ăn và phòng riêng. Tôi nhìn thấy toàn thể lịch sử gia đình, khởi đầu từ đám cưới của tôi, tiếp tục với lần sinh hai đứa con trai, mua nhà, những dịp gia đình sum họp và các kỳ nghỉ hè.
Khi con trai tôi còn bé, các cháu thích được chụp ảnh. Các cháu vẫy tay, nhảy múa, leo cây, đánh banh, trò gì cũng chụp ảnh. Nhưng đến tuổi dậy thì, việc chụp ảnh trở thành một thứ mà các cháu phải làm thinh chịu đựng. Các cháu lớn nhanh như thổi, vỡ tiếng, trên gò má phẳng phiu mọc những sợi tóc sợi râu lởm chởm. Những dịp sinh nhật các cháu miễn cưỡng đứng bên bố mẹ hay ông bà, và gượng gạo mỉm cười trước ống kính, mong chụp cho xong càng nhanh càng tốt.
Tôi là kẻ làm biên niên hình ảnh của gia đình. Tôi lựa ra một số tấm đem lộng khuôn và sắp xếp những tấm còn lại trong các quyển an-bom. Tôi đâm ra nghiện công việc này, và khi mọi ngăn kệ càng ngày càng đầy ắp các an-bom, tôi hỏi thầm: Những thứ này rồi sẽ ra sao? Những năm sau này liệu sẽ có người để mắt đến các tấm ảnh ấy? Nếu các con trai tôi xem lại chúng, các cháu sẽ nghĩ gì về bố mẹ và về bản thân các cháu?
Một chiều tháng Tám quang đãng, tôi chụp nhanh vài tấm ảnh của bố dượng và chồng tôi lúc hai người câu cá trên một cái hồ gần căn nhà nghỉ mát của gia đình.
Khi tôi và các con trai ngồi trên bờ hồ dõi mắt nhìn theo bóng hai người chèo thuyền đi, tôi cầm lấy máy ảnh và chụp cảnh hồ xinh đẹp nằm giữa vùng cây cối mùa hè xanh rì, rậm rạp. Hai người đàn ông tôi yêu thương dần dần trở nên nhỏ bé hơn cho tới lúc tất cả những gì tôi còn có thể thấy được là cái sơ mi đỏ của bố dượng, cái sơ mi xanh lục của chồng tôi, và những cái nón kết nâu vàng và xanh lơ trên đầu hai người.
Một tuần sau bố dượng tôi qua đời, và đột ngột những tấm ảnh hôm ấy đối với tôi trở nên vô giá. Tôi đã khóc khi dán chúng vào quyển an-bom của gia đình.
Sau đó tôi lại khóc khi bắt gặp con trai thứ của tôi xem chúng. Còn mấy hôm nữa thì cháu xa nhà vào đại học. Cháu đã khuân xuống hết tất cả an-bom trên các kệ sách ở phòng riêng và bày la liệt khắp tấm thảm lót sàn. Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy lại cháu làm việc này. Từ khi cháu thôi không còn muốn được chụp ảnh, cháu dường như mất luôn cái thú xem ảnh. Nhưng giờ đây cháu sắp sửa xa nhà, lúc này là thời gian đặc biệt để cháu ngó tới tương lai phía trước và ngoái nhìn dĩ vãng.
Tôi đứng một lúc ở bên ngoài phòng, rồi nhón gót rón rén bước đi. Chiều hôm đó tôi đã không chụp ảnh cháu, nhưng chừng nào còn sống thì tôi còn nhớ mãi dáng vẻ cháu lúc ấy. Tôi biết rằng có những tấm hình mà ta không sao chụp được bằng máy ảnh.
Huệ Khải
20-4-1999
Theo Susan J. Gordon, Precious Pictures, 1993.