ƯỚC MƠ
CỦA MÁ CON TÔI
Nhà
báo Mỹ JIM BISHOP, bút danh của James
Alonzo Bishop (1907–1987), còn là tác giả rất ăn khách đã xuất bản hai mươi mốt
đầu sách. Trong hồi ức này, ông kể lại một kỷ niệm về mẹ (bà Jenny Tier Bishop,
vợ của cảnh sát John Bishop). Cuộc sống vất vả trong cảnh thiếu thốn vào thời
kỳ kinh tế suy thoái đã buộc người mẹ cam lòng chịu mất đi ước vọng mà phải khó
khăn lắm mới thực hiện được. Đến khi đứa con trai có thể hoàn lại mẹ cái ước mơ
mà bà từng cam đành để cho vuột mất thì tất cả đều đã muộn, muộn đến xót xa.
Nhưng như thế vẫn tốt hơn là không bao giờ còn có cơ hội sau cùng...
*
Má con tôi đều là người mơ mộng. Khi ngày đã dịu bớt
gay gắt, hai má con ngồi trên bãi biển, thọc ngón chân vùi vào cát nóng. Những
cơn sóng cả chầm chậm xô vào bờ, lưng ngọn sóng nhô cao màu xanh lục. Chúng bổ
ầm vào, bọt nước vỡ tung trắng xóa, và má con tôi ngồi yên, lặng lẽ hưởng làn
gió hây hẩy xua đi ánh mặt trời hừng hực trên mặt.
Má ba mươi bốn, tôi lên mười. Má thấp người, tròn
trĩnh, là một phụ nữ nuớc da sáng, tóc nâu nhạt lấp loáng ánh đồng thau. Má
nhiều nữ tính và đoan trang, đứng đắn.
Tôi hỏi má ước mơ gì. Má cười vò rối mớ tóc ướt nhẻm
của tôi và bảo: “Con là chú nhỏ tò mò đấy.” Tôi đáp: “Đúng vậy, má à.”
Má nói cho tôi nghe ước mơ của má. Một ngày nào đó,
khi ba có nhiều tiền, ba sẽ mua cho má đôi bông tai gắn hột xoàn. Dĩ nhiên
chẳng phải cặp hột to lớn gì. Má kéo tai ra, bảo: “Con nhìn nè, hồi mười lăm
tuổi má đã xỏ lỗ tai. Liệu má có xinh hơn khi đeo những hột xoàn nho nhỏ?”
Tôi đáp: “Đẹp chứ má. Chắc chắn là đẹp mà.”
Má hỏi mộng ước của
tôi là gì. Tôi đáp khi lớn lên tôi sẽ mua một căn nhà ngay chỗ này, trên bãi
biển này. Ngày ngày, tôi sẽ có thể nhìn ra biển, mọi lúc biển lặng hay động.
Nhà tôi sẽ có các gia nhân không phải làm gì cả ngoại trừ việc mang đến cho tôi
những khay bằng bạc chất đầy kẹo dẻo và những thỏi sô cô la.
Má cúi xuống nhìn
tôi, búi tóc đu đưa sau gáy. Má cười trước điều tôi mơ ước, và bảo: “Thật con
nít!” Tôi rút chân lên khỏi lớp cát, rồi chạy cật lực để đón đầu một đợt sóng
lớn cuộn vào.
Ước mơ của má đã
thành sự thật. Ba sắm cho má cặp bông tai hột xoàn. Là những hạt như mảnh băng
nhỏ xíu đính vào cuống lớn bằng vàng. Má ngồi trước gương, hết xoay đầu bên này
lại xoay qua bên kia. Mỗi tháng ba trả dần một ít tiền mua món đó, suốt cả thời
gian dài.
Tôi mừng thấy má được
trọn ước mơ. Khi ba má diện đồ ra ngoài, tôi bảo trông má đẹp lắm. Má thật sự
không xinh đẹp, nhưng má ngẩng đầu như một bà hoàng khi đeo đôi bông tai ấy.
Rồi đến thời buổi mà
ba gọi là “khó khăn”. Đôi bông tai biến đi đã lâu tôi mới nhận ra. Khi tôi hỏi,
má mỉm cười trong nước mắt, và bảo: “Ba đem cầm rồi. Ba sẽ chuộc lại.”
Những ngày ấy cảnh
sát được trả lương thấp, và rồi thành phố còn cắt giảm thêm mức lương bèo bọt của
họ. Má
tự may lấy quần áo cho cả nhà. Đêm đêm, má khâu những chiếc nơ nhỏ hình bông
hồng đính lên các băng lụa nịt vớ, kiếm mỗi chiếc một xu. Mỗi năm, má đều trả
lãi cho món đồ đem cầm.
Thế rồi, mùa hè kia, má thúc thủ. Đến ngày nộp lãi,
nhưng má lờ đi. Má bảo: “Bông tai là một hình thức phù phiếm mà mình không đủ
sức cáng đáng.”
Những vận may lớn đôi khi cũng đến với một người ít
ra là một lần. Nó đã đến với tôi. Một quyển sách tôi viết trở thành tác phẩm ăn
khách nhất ở mười sáu nước. Tôi mua một căn nhà trên bãi biển. Ước mơ của tôi
đã hiện thực.
Khi nhà cửa xong xuôi, tôi mời ba má đến. Không có
những gia nhân mang các khay đựng kẹo đâu, nhưng căn nhà ở đúng bãi biển năm
xưa. Tóc tôi nay bạc màu, nhưng những ngọn sóng vẫn ầm ầm sức trẻ trung thuở
ấy.
Tôi trao má cái hộp bọc nhung và nói: “Giờ là lúc để
má ước mơ.” Hai bàn tay má bắt đầu run rẩy. Má bảo ba: “Anh John, giúp em với.
Em lóng cóng quá!”
Ba mở hộp ra và lắp bắp: “Jenny, đẹp quá!” Má vò tóc
tôi. Đôi bông tai được xỏ vào đúng vị trí. Má hỏi: “Trông má thế nào?”
Ba và tôi trả lời: “Đẹp lắm!”
Má không thể nói gì.
Nhiều năm rồi đôi mắt má đâu còn nhìn được nữa...
Huệ
Khải
05-7-1999
Theo Jim Bishop, Dreams Do Come True, 1974.