Thứ Ba, 25 tháng 7, 2017

17 KHÔNG CÒN NỮA NHỮNG CHUYẾN XE DỪNG TRƯỚC CỬA (AI ĐO LÒNG BIỂN)

Image result for yellow school bus
KHÔNG CÒN NỮA NHỮNG CHUYẾN XE DỪNG TRƯỚC CỬA
Bao nhiêu năm qua mẹ ấp ủ đứa con thơ trong hai bàn tay bảo bọc, cố gắng chở che, không muốn chim non rời khỏi tổ ấm. Nhưng rồi tránh sao khỏi cái ngày phải mở hai bàn tay cho con chim đã đủ lông cánh cứng cáp bay vút lên trời xanh cao rộng. Ai ai rồi cũng phải trải nghiệm như thế, như DENISE SYMAN qua chuyện kể của chị.
*
Tôi nhớ lúc dắt con trai đầu lòng ra chiếc xe buýt vàng to tướng của nhà trường, bảng tên cháu ghim trên áo sơ mi kẻ sọc, vạt bỏ gọn gàng trong cái quần cô-tông rất hợp màu áo. Vai quảy ba lô mới, cháu quay lại liếc nhìn tôi trước khi bước lên xe.
Tôi bảo: “Không sao đâu con. Con sẽ có nhiều bạn mới, học nhiều điều hay và được nhiều niềm vui.” Khi tôi ôm lấy cháu, thằng bé ngẩng nhìn và hỏi mấy giờ nó sẽ về nhà. Lúc dắt con bước lên xe, tôi trấn an cháu: “Vào giờ ăn trưa con sẽ có mặt ở nhà. Xe buýt sẽ chở con về đúng ngay chỗ này, có má đợi con ở đây, và con có thể kể cho má nghe đủ thứ chuyện.”
Mọi chuyện đã diễn ra y như thế. Không lâu sau đấy tôi lại đưa con gái út lên chiếc xe buýt vàng to tướng, và khi xe mang cháu trả lại, tôi cũng đã đứng sẵn đó chờ đón.
Khi cuộc sống chúng tôi thay đổi, tôi đi làm suốt ngày, không còn có thể đứng đón lúc các cháu tan học về, nhưng chiếc xe buýt vàng to tướng vẫn cứ dừng trước nhà tôi từng ngày lại từng ngày để đem trả tôi những đứa con lành lặn.
Buổi tối quây quần quanh bàn ăn, các cháu sôi nổi chia sẻ với tôi chuyện một ngày ở trường. Chúng tôi nói về bạn bè các cháu, giờ ra chơi, thầy cô cùng sách vở. Tủ lạnh nhà tôi trở thành chỗ trưng bày đầy các bài làm xuất sắc, những hình ảnh, những phiếu ghi kết quả học tập của các cháu.
Mỗi khi đến Ngày Của Mẹ, các cháu cắm cúc vạn thọ trong vỏ hộp sữa bằng các-tông, vẽ bút chì màu và cắt dán giấy thủ công trang trí rồi cẩn thận bưng về nhà kèm theo những tấm thiệp xinh xắn nhất. Tôi đeo những nữ trang vô giá làm bằng cọng mì ống và cài lên ngực áo mấy cánh hoa bằng giấy. Năm tháng trôi qua, con trẻ lớn lên, tôi vẫn ngày lại ngày ngóng đợi với niềm tin chiếc xe buýt kia sẽ đem các con trở về an ổn. Và dòng đời cứ thế trôi đi, năm học này tiếp theo năm học khác.
Trước khi tôi biết chuyện thì bọn trẻ đã bàn tính với nhau về giấy phép lái xe, những việc làm bán thời gian, những buổi khiêu vũ, những cuộc hẹn hò. Các cháu không còn tự tay làm thiệp mừng Ngày Của Mẹ, mà lại mượn xe, lái ra tiệm mua thiệp mang về. Cúc vạn thọ cắm trong vỏ hộp sữa bằng các-tông đã đổi thành mấy chậu hoa treo hay những bó hoa tươi nho nhỏ mua bằng đồng tiền do các cháu kiếm được. Con trẻ ăn mặc theo sở thích, quần áo phù hợp hay không cũng kệ, và thứ nữ trang làm bằng cọng mì ống chỉ còn dành để trang trí cây thông giáng sinh.
Ba lô trên lưng con trẻ càng nặng hơn khi sách vở mang theo càng dày thêm. Tủ lạnh giờ đây đính tấm lịch, cần cho các cháu theo dõi những giờ giấc học hành dày đặc hơn, và một tấm bảng trắng dễ lau xóa để mấy má con báo tin cho nhau biết mình đang ở đâu những khi vắng nhà, mà giờ đây thì hầu như lúc nào mấy mẹ con chúng tôi cũng vắng nhà. Các con tôi đã từng làm trẻ nhỏ, và giờ đây chúng đã thành những người lớn trẻ tuổi đang càng lúc càng chóng trở nên bớt lệ thuộc vào mẹ hơn. Chiếc xe buýt vàng to tướng năm nao thôi không còn ngày ngày dừng trước nhà tôi nữa.
Thời trung học của trẻ trôi qua nhanh; và trước lúc tôi kịp ngoái nhìn thì con gái út của tôi lại đang kiếm tìm lựa chọn các trường đại học, phần cháu trai thì tốt nghiệp xong rồi. Cháu cân nhắc bước tiến tương lai và quyết định chọn đường binh nghiệp. Cháu được lệnh đến trình diện tại đơn vị để tuyên thệ vào một sáng tháng Tám rực nắng.
Cùng với những ông bố bà mẹ tự hào hãnh diện khác, tôi đã đến chứng kiến buổi mở màn cho cuộc đời mới của các chàng trai. Lúc ra về, tôi bắt gặp ánh mắt con tôi, ngay khi cháu đang đu đưa chiếc ba lô quảy trên vai. Cho dù tôi đã nhìn thấy cháu làm như thế hàng trăm lần rồi, mà lần này lại có chút gì khang khác.
Tôi đảo mắt nhìn khắp tất cả tân binh, những trang nam tử nữ lưu tuấn tú trẻ trung này đã xếp thành hàng, một chân đặt lên ngưỡng cửa tương lai tươi sáng, ba lô trên vai và họ đang đợi một điều khác nữa, là chuyến xe buýt. Tôi bước về phía con mình, vói tay ôm lấy cháu, và cháu cúi nhìn tôi. Tôi nghĩ, trước kia ta đã từng làm thế này, nhưng mà đâu cả rồi những tháng năm xa xưa ấy?
Bỗng dưng con tôi trở lại làm đứa bé lên năm, và tôi hỏi cháu có gì lo âu không. Cháu đáp: “Hơi hơi thôi.”
Tôi trấn an: “Con đừng lo. Không sao đâu con. Hãy nghĩ tới tất cả những cơ hội mà con sẽ có và tất cả những người mới mà con sẽ gặp.”
Tôi ôm cháu lần nữa và tiễn cháu lên đường. Tôi không sao thốt lên rõ thành lời khi cháu bước lên theo hàng quân, nhưng tôi đã cố thì thầm: “Khi con trở về nhà, có má ở đây đợi con, và con có thể kể cho má nghe đủ thứ chuyện.”
Huệ Khải
12-3-2003
Theo Denise Syman, The Bus Doesn’t Stop Here Anymore, 1998.