ĐÔI BÀN
TAY BỐ
Không
phải là nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng thông thường hình như cha biểu hiện
tình thương con khác hơn mẹ. Tình thương con có khi không bộc lộ ở cha bằng lời
nói hay cử chỉ âu yếm, vuốt ve. Do đó, so với cách mẹ cưng chìu con, cha có vẻ
như khô khan hơn, như ít tình cảm hơn.
Trong
hồi ức của mình, SUZANNE CHAZIN thuật
lại cách cô nhận thức được lòng yêu thương của bố. Tình thương bao la đó im
lặng mà vĩ đại như Thái Sơn sừng sững trong đời.
*
Hồi nhỏ, bố chưa bao giờ
có một mái nhà thực sự. Bà nội tôi mất lúc bố lên năm, ông nội chẳng tục huyền,
và đến khi lên tám, bố đã sống ở ba nước khác nhau. Có lẽ đó là lý do bố rất
thích tạo ra cái này làm ra cái kia. Những sáng tạo của bố cho người ta cái cảm
giác vĩnh hằng. Bố thường bảo tôi: “Ông thầy thuốc phạm một lỗi lầm và ông sống
dai hơn lỗi lầm đó. Người thợ xây dựng mắc phải lỗi lầm và cái lỗi đó tồn tại
lâu hơn ông ta.”
Bố lúc nào cũng thích mó
tay vào món này món nọ. Thuở lên sáu, là cậu bé con gốc Nga mặt mũi tròn trịa
đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, bố đã cưa cụt phân nửa bốn chân chiếc bàn ở phòng ăn để
có thể ngồi vào đó thoải mái hơn. Bố bị phạt vì việc đó, nhưng bố biết được giá
trị của sự giải quyết một vấn đề bằng chính đôi bàn tay mình.
Dạo lên mười, sống ở New York , bố chế ra một
chiếc xe đạp từ các món người ta quẳng đi. Ở tuổi đôi mươi, bố cũng làm như vậy với một chiếc
xe hơi cũ. Bố sửa chữa hết ngày này lại tối nọ, hai bàn tay dày mo, chai sần
của bố nhẹ nhàng bôi dầu thoa mỡ và điều chỉnh các bộ phận cho tới lúc chiếc xe
vi vút trên đường êm ru cũng như xe pháo của đám trai trẻ nhà giàu.
Bố là người thực hành. Bố không giải thích được phép tính toán, nhưng bố có
khả năng nói được rằng một cái nồi áp suất thì cần tới một sức ép bao nhiêu. Bố
không vẽ nổi bản họa đồ kiến trúc nhưng bố nói được rằng các ống nước và hệ
thống dây điện có chịu được với kết cấu hay không. Bố đã bỏ tiền theo học
trường lớp ban đêm để trở thành một kỹ sư, nhưng việc đó chỉ là sau khi bố đã
làm thợ sửa ống nước, thợ điện, và thợ máy.
Bố hãnh diện về những tòa
nhà bố đã dựng nên trong nhiều năm qua. Đối với tôi, trong những kiến trúc ấy
chẳng một cái nào có thể sánh được với những món nho nhỏ bố đã làm cho riêng
tôi bằng chính đôi bàn tay bố.
Năm tôi chưa
tròn bảy tuổi bố mẹ tậu được ở New Jersey một ngôi nhà sơn trắng cất theo kiểu
thuộc địa - tức là kiến trúc thế kỷ Mười
Bảy, Mười Tám ở Bắc Mỹ, thuở nước Anh có tại đấy mười ba thuộc địa nằm dọc theo
bờ Đại Tây Dương mà đến năm 1787 các thuộc địa này trở thành mười ba bang đầu
tiên của nước Mỹ.
Đối với mẹ, ngôi nhà đã đủ
điều kiện để dọn vô ở liền được rồi. Nhưng bố khăng khăng đi thay lại hệ thống
sưởi ấm, lót lại gạch phòng tắm và lắp đặt đường ống dẫn nước mới.
Giáng Sinh năm đó, sàn nhà
vẫn còn phủ mấy tấm bạt để hứng những giọt nước rỏ xuống, và hầu hết các món đồ
gỗ của chúng tôi đều cất trong kho. Mẹ quyết định ăn lễ trong ngôi nhà mới, đã
đưa bố con tôi ra các cửa hiệu mua sắm những thứ trang hoàng nhà cửa.
Dọc đường, chúng tôi đi
qua một cửa hiệu bày bán đồ chơi. Ở một góc cửa kính là cái nhà búp bê rất lạ
mắt mà tôi chưa hề thấy. Nó được tạo hình giống như một súc gỗ ở hai đầu. Người
ta đục những cửa sổ nhỏ hình bầu dục, treo những rèm che bằng vải bông in hoa (calico) và có những bao lơn bé xíu che
chắn.
Tôi nói: “Bố ơi, đẹp đấy
chứ, phải không bố? Bố có nghĩ là Ông Già Nô En sẽ đem nó đến cho con chăng?”
Bố nhìn miếng giấy nhỏ ghi
giá một trăm hai mươi đô, một con số quá cao vào thời ấy. “Bố nghĩ rằng ngay cả
Ông Già Nô En cũng không đủ tiền sắm cái nhà này đâu.” Bố nói đùa, trong lúc
luồn tay vô nâng sợi dây thắt lưng như cách bố thường làm khi nào bố băn khoăn
áy náy. “Có thể là một ngày nào đó, con nhé.” Có lẽ là bố đã hy vọng rằng tôi
sẽ quên cái nhà ấy đi, nhưng tôi đã làm cho bố mẹ phải điên đầu vì lúc nào cũng
chỉ lải nhải nhắc tới nó.
Buổi sáng hôm lễ Giáng Sinh,
tôi dậy sớm và chạy nhào xuống cầu thang. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi nhìn thấy
lủ khủ các hộp được gói kín dưới chân cây thông, nhưng chẳng có hộp nào đủ rộng
để đựng căn nhà búp bê của tôi. Thấy được nỗi thất vọng của tôi, bố kéo tôi
ngồi vào lòng, dịu dàng kể lại chuyện hồi nhỏ bố đã rất muốn có một cỗ xe màu
đỏ nhưng ông nội không đủ tiền sắm.
Tôi hỏi: “Bố đã làm gì?”
Bố đáp: “Bố chế một chiếc
với những gỗ và bánh xe cũ mà bố tìm được. Con biết không, đối với bố đó là cỗ
xe có ý nghĩa nhiều hơn bất kỳ cỗ xe nào mua ở tiệm về.”
Tôi nói: “Nhưng con đâu
biết làm căn nhà có hình súc gỗ.”
Bố trấn an tôi: “Vậy thì
bố con mình cùng nhau làm.”
Ngay sau lễ Giáng Sinh, bố
con tôi bắt tay vào việc, mặc kệ tất cả những dự án còn bỏ dở trong nhà. Thoạt
đầu, bố rọc chỗ ván ép phế thải ra thành những rẻo và dùng đinh đóng các rẻo
này thành vòng tròn, dính vô một cái đế bằng gỗ. Bố chỉ cho tôi cách đánh giấy
nhám cho láng những cạnh mép xù xì. Xong rồi bố cưa cái đế ra làm đôi và bắt
các bản lề vô một bên để cái “súc gỗ” này có thể mở bật ra hay đóng lại.
Từng đêm lại từng đêm, bố
thường đi làm về mệt lả, nhưng bố vẫn luôn tìm ra được thời gian để chế tạo cái
nhà có hình súc gỗ. Bố gom góp các rẻo giấy dán tường, ráp nối các mẫu cẩn thận
như là bố đang dán cho căn bếp của mẹ. Bố kẻ đường vân ở bên ngoài bằng màu nâu
với nhiều sắc đậm nhạt, rồi lùi ra xa ngắm nghía công trình để đảm bảo rằng bố
đã đạt đúng hiệu quả mong muốn.
Với cá tính đặc trưng của
mình, bố đã hoàn thiện cái mẫu nhà hơn hẳn những kiểu nhà khác. Thậm chí bố còn
tạo thêm một lối đi bé tí dẫn đến cửa trước - làm bằng vật liệu bê tông thật.
Tổng cộng, mất hết bốn
tháng làm việc nhọc nhằn. Nhưng căn nhà hình súc gỗ đó là món quà to tát nhất
mà một đứa trẻ có thể xin được. Mãi sau này khi không còn chơi búp bê nữa, tôi
vẫn cứ thường đem cái nhà ấy từ trên gác mái xuống chỉ để chiêm ngưỡng nó và
nhớ lại những tháng ngày dài tôi đã chăm chú xem bố biến ước mơ của tôi thành
hiện thực.
Nhiều năm sau, tôi xa nhà
vào đại học. Tôi đã có lúc bỗng dưng phải tự mình thay một bóng đèn hay dùng
keo dán lại chiếc bình vỡ. Thoạt đầu tôi hết sức mong muốn có bố bên tôi. Nhưng
khi tôi trở nên thành thạo với những việc nho nhỏ, tôi lại ngạc nhiên là tôi
thực sự cần bố biết bao.
Tháng Ba đó, khi bố mẹ đến
thăm, tôi đưa bố mẹ đi quanh khu vực trường đại học, chỉ rõ đâu là những tiệm
ăn và cửa hàng tôi ưa thích. Tôi đều có ý kiến về mọi cái - trong tám
tháng trời, tôi đã có thể trở nên sành sỏi đến như thế.
Chúng tôi dừng lại trước
một cửa kính đầy những vật trang trí bằng gỗ vẽ tay. Tôi nói với bố mẹ: “Đó là
tiệm Salzburg .
Nó có những món đồ gỗ đẹp nhất mà bố mẹ chưa từng thấy.” Tò mò, bố mẹ theo tôi
vào trong. Ở cuối tiệm là một tủ áo (armoire) lớn bằng gỗ sồi. Người ta
vẽ những quả tim và cánh hoa màu đỏ chạy dài xuống ở giữa mỗi cánh cửa tủ. Ở
ngăn kéo lớn dưới đáy tủ hiện lên một bó hoa vẽ tỉ mỉ. Bố tôi cẩn thận xem xét
món đồ gỗ. Bố mạnh dạn nói: “Bố có thể đóng được cái tủ (cabinet) giống
như vầy cho con.”
Tôi nói: “Bố ơi, nó có
phải là cái tủ thường đâu, nó là cái tủ áo lớn kia mà. Vả lại, bố không thể làm
ra cái gì giống như cái này được. Nó là một tác phẩm nghệ thuật.”
Hai bàn tay bố rơi khỏi
những ngăn tủ bố đang săm soi. Lặng lẽ, bố đóng lại hai cánh cửa to bằng gỗ sồi
và bước lùi lại, cái kiểu mà cậu trai mười mấy tuổi đầu thối lui trước cô gái
xinh đẹp mới vừa từ khước cậu một cuộc hẹn hò. Tôi biết mình đã làm bố thương
tổn, nhưng tôi không thể ép mình thừa nhận điều đó. Cho đến lúc bố mẹ tôi ra
về, sự việc ấy dường như cũng quên đi.
Ba tháng sau, năm thứ nhất
bậc đại học kết thúc, tôi về nhà. Mọi thứ ở đấy còn nguyên như lúc tôi ra đi,
tuy rằng không phải là hoàn toàn. Bố mẹ tôi đã dẹp tấm thảm phương Đông ở phòng
khách. Bàn ăn được trang trí một cái bát mới bằng đồng thau chưng hoa vải.
Tôi chạy ùa lên phòng mình
ở đầu cầu thang. Và kìa, đẵm trong ánh sáng ban chiều màu mật ong đứng lồ lộ
một cái bản sao gần như y nguyên cái tủ áo của tiệm buôn Salzburg .
Tôi nói “gần như”, vì ở
nhiều phương diện cái tủ này lại tốt hơn. Các mặt trước và bên hông tủ làm bằng
mảnh gỗ, không phải gỗ sồi, nhưng gỗ được chà nhẵn với nhiều sắc độ sơn khác
nhau để tạo ra cái nước gỗ của đồ cổ. Những cánh hoa vẽ chạy ngược lên hai cánh
cửa, dẫn tới những con chim câu be bé.
Tôi quay lại và thấy bố
đang nhìn tôi do dự, tay nâng lấy sợi thắt lưng.
“Bố ơi, đẹp quá!” Tôi gọi
bố bằng cái giọng của trẻ con mà đã lâu tôi không gọi.
Bố đi đến và choàng tay ôm
tôi. Các đốt tay bố còn chưa lành hẳn những vết thương và chỗ xây xát vì những
ngày làm việc khổ nhọc.
“Ông bố già của con dẫu
sao cũng được chút việc gì đó.” Bố mỉm cười nói. Rồi bố xăng xái mở toang cái
tủ áo để lộ ra những phần phụ làm cho những sáng tạo của bố bao giờ cũng rất
đặc biệt. Trong tủ, bố giấu một ngăn bí mật. Bố giải thích: “Để con đựng nữ
trang.” Bố cũng hãnh diện chỉ cho thấy một cái cần gạt có thể tách rời cả ngăn
kéo lớn ở đáy tủ ra. Bố nói: “Vậy là ngày nào đó, khi con cất bước đi xa, con
có thể dễ dàng di chuyển nó.”
Tôi nói chẳng suy nghĩ:
“Bố ơi, con sẽ chẳng bao giờ xa bố đâu.”
Bố phản đối: “Nhưng bố lại
mong vậy. Bố có thể tạo được cho con món này món nọ, nhưng bố không thể tạo
được cho con một cuộc sống. Tất cả những gì bố có thể làm là giúp con tạo lấy
cuộc sống của chính riêng con.”
Bố chẳng bao giờ viết thư
cho tôi. Và bố luôn luôn không nhớ ngày sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới của tôi
- mà đôi khi thậm chí còn không nhớ tôi bao nhiêu tuổi nữa.
Nhưng tôi chỉ cần nhìn
quanh mình là thấy được tình thương yêu của bố. Bố đã phục hồi chiếc ghế xích
đu cả trăm tuổi sau khi tôi nói cho bố biết tôi rất muốn có một chiếc. Lúc tôi
dọn đến căn hộ đầu tiên của mình ở một chúng cư, bố đã dành hết những ngày nghỉ
cuối tuần để thay ống nước trong một chỗ rất nhỏ hẹp. Và khi đôi bông tai ưa
thích của tôi bị mất một hòn đá màu lam, bố đã trổ tài khéo léo với sơn và mát
tíc.
Bốn chữ to tát nhất mà tôi
biết là “Bố sẽ tạo nó.” Bố đã dành đời bố tạo tác, sửa chữa và trau chuốt những
phần quý báu nhất đời tôi. Bố đã cho tôi cái tài sản lớn lao nhất mà một người
bố có thể cho được - một phần của chính bản thân bố.
Huệ Khải
14-3-1994
Theo
Suzanne Chazin, Dad Will Build It, 1990.