BẠT
TRẦN
VĂN CHÁNH
Không hiểu vì lý do gì Tạo Hóa trớ trêu lại sinh ra
loài người (và cả loài vật nữa) đi cùng với sự truyền giống, từ đó mới có cha
mẹ và con cái. Dường như giữa họ có một mối dây liên hệ gì hết sức tự nhiên,
đặc biệt và thiêng liêng khó tả về mặt tình cảm, nếu tạm gác qua không nói tới
những đặc điểm tương đồng về hình thể vốn thuộc yếu tố di truyền. Có lẽ ngoài
vấn đề bản năng căn bản làm phát sinh hôn nhân, thì mấy điều vừa nói trên cũng
là thêm một lý do quan trọng nữa giải thích tại sao cặp vợ chồng nào cũng muốn
có con; ai vì lý do gì không sinh con được đều cảm thấy bất an, không có được
niềm vui gia đình và hạnh phúc, như có gì thiếu thiếu làm bức xúc không chịu
được, dù biết rằng nuôi con gắn với sự nhọc nhằn, nhiều hoặc ít tùy hoàn cảnh,
và trong những cuộc hôn nhân bất hạnh, đa số trường hợp người ta có thể bỏ được
chồng hoặc vợ mình chứ ít ai đành bỏ được con, mà người ta gọi là núm ruột của
mình.
Nhưng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng đầy
tính phức tạp tế nhị. Nó là một trong những mối ưu tư lớn của loài người, không
chỉ của một phía cha mẹ đối với con cái mà còn có chiều ngược lại, trở thành
một trong những đề tài khá phong phú của giáo dục học, văn học, ở Đông cũng như
Tây phương.
Có nuôi con mới biết công ơn cha mẹ (dưỡng tử phương tri phụ mẫu ân) dường
như là một kinh nghiệm hay chân lý phổ biến, chứ còn lúc trẻ chưa lập gia đình
thì dù có hiểu lòng cha mẹ cũng thường chưa hiểu được một cách sâu sắc thấm
thía.
Nhưng cả đời tôi đọc sách báo lung tung, vẫn chưa tự
giải thích hết lý do tại sao văn viết về mẹ trên thực tế lại nhiều hơn về cha
gấp bội, vì thế khi nhận được bản thảo sách Cao Cao Dáng Núi (ba mươi mẩu chuyện về tình cha và con) của Huệ
Khải, tôi tự nhiên chú ý tới liền, vì biết đây thuộc loại sách tương đối quý hiếm,
trong bối cảnh cụ thể Việt Nam.
Còn nhớ hồi trước năm 1975, có bài viết Làm Con Nên Nhớ của nhà văn - học giả
Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), ban đầu đăng trong tạp chí Bách Khoa (số 207, ngày 15-8-1965), đến năm 1970 được nhà xuất bản
Lá Bối cho in thành quyển sách nhỏ xinh xắn (ký bút hiệu Lộc Đình), nội dung
đọc rất cảm động, nhờ cách viết chân tình với giọng văn vừa nghiêm túc vừa mượt
mà của một người từng trải, cung cấp cho người đọc kinh nghiệm sâu sắc về tình
cha, con. Trong lĩnh vực này, bản thân tôi đọc chưa nhiều, nhưng trước đó tôi
đã có cơ hội đọc bài Bối Ảnh (Cái Bóng Lưng) của nhà văn Trung
Quốc Chu Tự Thanh (1898-1948) mà sau tôi dịch ra làm bài học cho một sách dạy
chữ Hán, và khi dịch, nước mắt tôi đã chảy khá nhiều theo từng câu văn dịch…
Bài ngắn, câu chuyện giản dị mà cảm động về tình cha con: Người cha, đã ở tuổi
bắt đầu già yếu, đưa đứa con trai (ở đây chính là tác giả) đi chuyến tàu hỏa từ
quê lên thủ đô Bắc Kinh ăn học. Vì tính quá cẩn thận, do kinh nghiệm đời tạo
nên, coi con trai mình vẫn còn là đứa con nít như ngày nào, nên trên suốt cuộc
hành trình, lúc nào cũng không yên tâm, ông luôn tỏ ra lo lắng tỉ mỉ quá mức
cần thiết, căn đi dặn lại đủ thứ, đôi khi vụng về, đến nỗi làm cho đứa con, lúc
này tự cho mình đã lớn khôn, không tránh khỏi bực bội ra mặt. Khi kể tới đoạn
người cha trả giá với các phu khuân vác mà ông nhờ xách phụ hành lý, tác giả
viết: “Lúc ấy tôi thật thông minh quá
lắm, cứ cảm thấy Người nói không được hay lắm, nếu không có mình xen vào thì
không xong.” Mãi về sau khi cha đã già yếu thêm mà cha con vì hoàn cảnh lại
phải sống trong cảnh kẻ Nam người Bắc, tác giả lúc bấy giờ đã có con và trải
thêm kinh nghiệm việc đời, mới cảm thấy sâu xa một niềm ân hận, ánh lệ bất giác
tuôn trào bên khóe mắt, và hồi tưởng lại chiếc bóng lưng của cha lúc hai người
từ biệt trong chuyến tiễn đưa năm nào, ngay khi nhận được thư cha cho biết: “Ba vẫn bình yên, chỉ có cánh tay đau nhức
ghê gớm nên cầm đũa cầm bút thật bất tiện, có lẽ ngày ra đi vĩnh viễn không còn
xa.”
Ba mươi mẩu chuyện về tình cha, con trong sách này
đại khái cũng kể lại những kinh nghiệm tương tự, nhưng phong phú, đa dạng về
nội dung. Tất cả đều là những câu chuyện có thật, do chính người kể đã từng
trải, nên chuyện nào cũng truyền cảm, gây xúc động sâu xa cho người đọc, từ đó
suy ngẫm, liên hệ đến bản thân mình, đến cha mình, người đang còn sống hay đã
khuất.
Trong ba mươi mẩu chuyện thì có hai mẩu do Huệ Khải
viết, số còn lại hoặc phóng tác hoặc chuyển ngữ từ bài viết tiếng Anh của nhiều
tác giả. Ở mỗi đầu câu chuyện đều có phần giới thiệu, bình luận ngắn của Huệ
Khải, lưu ý nhấn mạnh vào chủ đề. Một trong những chủ đề như vậy là chuyện giữa
cha và con trai không hiểu nhau (khác với mẹ và con trai, hoặc cha với con
gái), như lời sau đây trong bài số bốn (Bố
Tôi, Con Tôi Và Tôi, của Walt Harrington), nêu lên một trong những vấn đề
tế nhị nhất nhưng khá phổ biến trong mối quan hệ giữa cha và con trai:
“Tấm lòng cứng rắn và lý trí của phần lớn đàn ông có lẽ là
một trong những yếu tố làm cho cách thể hiện tình thương của cha đối với con,
nhất là con trai, thường khô khan. Cách cha dạy con cũng thiếu nét êm nhu trìu
mến của mẹ. Có lẽ một phần vì thế mà ngày xưa ở Việt Nam, và Trung Quốc, cha
còn được gọi là ‘nghiêm đường’. Trong gia đình, hầu
như ít khi con trai xích mích với mẹ, thường là hay xung khắc với cha. Giả dụ
có mâu thuẫn, hòa giải với mẹ hình như vẫn dễ dàng hơn cha. Nếu có nhiều người
cha khổ tâm vì tình cha con lợt lạt, thì vẫn không ít con trai phàn nàn cha
không hiểu được mình. Walt Harrington (sinh năm 1950) trong khoảng ba mươi năm
đời mình cứ mãi ray rứt bận lòng tìm
kiếm một lý giải cho mối quan hệ giữa hai bố con ông. May mắn là ông cũng có
con trai, và nhờ đó ông bỗng hiểu rõ bố mình hơn bao giờ hết.”
Còn nhiều câu chuyện sinh động khác nữa có ý nghĩa
sâu sắc về kinh nghiệm nuôi dạy con cái, mà những kinh nghiệm ấy có khi phải
khó khăn bầm dập với biết bao nỗi ưu trằn trọc, xao xuyến bâng khuâng, cuối
cùng mới rút ra được một cách muộn màng. Có không ít trường hợp lở dở phải mang
niềm tiếc hận suốt cả đời.
Hôm nay đọc ba mươi mẩu chuyện về tình cha và con,
mỗi chuyện đều có nét hay đẹp, sâu sắc riêng, mà bài nào cũng cảm động, gợi nên
một hoặc nhiều ý để suy nghĩ, tôi làm sao không nhớ lại ba má tôi đã khuất từ
khoảng trên dưới hai mươi năm về trước? Kinh nghiệm thực tế ở nhiều người cho
thấy, dù lúc cha mẹ còn sinh tiền, ta có đối đãi tốt bao nhiêu với cha mẹ đi
nữa thì khi có dịp bình tâm ngẫm kỹ lại vẫn thấy còn nhiều chỗ sơ suất đáng ân
hận, nhưng lúc nhận ra điều quan trọng này thì không còn cơ hội gì để cứu chữa
được nữa rồi! Cho nên đối tượng chủ yếu của cuốn sách này mà tôi nghĩ nó có thể
mang lại nhiều lợi ích thực tế cho họ nhất, chính là những bạn đọc có số may
mắn hơn tôi được còn có cha mẹ vẫn sống ở bên mình. Tôi tin nhiều bạn đọc cũng
có thể dễ chảy nước mắt khi đi vào từng câu chuyện cụ thể, nhưng không phải là
thứ nước mắt ủy mị của sự hèn kém yếu đuối, trái lại nó là kết quả sự kết hợp
nhuần nhuyễn giữa lý trí minh mẫn với những tình cảm sâu đậm nhất giữa cha và
con, sẽ giúp ta nhờ kinh nghiệm của người khác mà tránh trước được nhiều lầm lỗi,
khi ta đang làm cha hoặc làm con, hoặc đóng cả hai vai vừa cha vừa con, trong
trường hợp ông nội của con ta vẫn còn sống.
Xin mượn mấy lời sau đây trong bài viết của nhà văn
quá cố Nguyễn Hiến Lê trên kia tôi đã dẫn, để kết thúc lời Bạt này:
“Trong cái trào
lưu sinh hoạt vĩnh viễn bất tuyệt của loài người, nước đã chảy đi thì không bao
giờ trở lại về nguồn. Hỡi các bạn trẻ sắp lập gia đình, như dòng nước sắp bắt
đầu rời suối, các bạn nên ngừng bước lại một chút, quay lại nhìn nguồn để hiểu
nguồn thì trên đường đời các bạn sẽ đỡ phải ân hận, đỡ phải sám hối như hôm nay
tôi sám hối trên bàn viết, trước mặt bàn thờ ba má tôi mà lư trầm đang lặng lẽ
tỏa hương.” ([1])
TRẦN
VĂN CHÁNH
10-7-2017