CHUỖI
NGỌC TRAI
Nữ sĩ
Nhật KATSURA MORIMURA (Sâm Thôn Quế 森村桂, 1940-2004), tên khai sinh là Katsura Miyake (Tam Trạch Quế 三宅桂). Năm 1962 tốt nghiệp Đại Học Gakushuin (Học Tập Viện Đại Học 学習院大学), Katsura Morimura tới Tân Caledonia
hai năm sau đó và viết một du ký nhan đề An Island That Is the Nearest to
Heaven (Một Hòn Đảo Gần Thiên Đàng Hơn
Hết). Tác phẩm rất được hâm mộ và đã đưa cô bước vào nghề văn, nối bước song
thân cô.
Trong
câu chuyện cảm động sau đây, nữ sĩ Katsura Morimura cho thấy rằng tình yêu
thương chân thành bao giờ cũng có thể trở thành một phép lạ mầu nhiệm giữa đời
thường. “Ai gõ thì cửa sẽ mở.” (Matthêu 7:8) Hãy thương yêu đi, và rồi thiên
đàng hạnh phúc sẽ không phải tìm bên kia cuộc sống.
*
Năm 1959 bố tôi, tác gia Saburo Toyoda, qua đời khi
tôi mười chín tuổi, đang theo đại học năm thứ hai. Tôi đã một lòng kính yêu bố,
và ngược lại bố cũng rất mực yêu thương tôi. Với mẹ thì tôi không được hòa hợp
lắm. Sức khỏe mỏng manh, mắc bệnh mất ngủ, thường xuyên than vãn về những chứng
đau nhức, hay nổi cơn trái tính trái nết (hysteria),
dường như mẹ thích sách và mèo nhiều hơn là yêu con cái, quan tâm hai thứ đó
nhiều hơn là những đòi hỏi tình cảm trìu mến của anh em tôi.
Dù bố mất đi làm cho cả mẹ và tôi suy sụp, tôi lấy
làm tiếc phải nói rằng biến cố ấy chẳng hề có tác dụng như một liều thuốc cấp
thời chữa trị tình trạng mẹ con ngăn cách. Đâu dễ gì hàn gắn những năm không
hòa hợp. Giữa mẹ con khó mà có được mối cảm thông, và thường thì những cố gắng
gần gũi vụng về của tôi đều không được mẹ đoái hoài. Vào những ngày lễ như Tết,
tôi thích thăm bạn bè hơn. Khi trở về nhà, tôi thường bắt gặp mẹ ngồi hoàn toàn
trơ trọi bên bếp lửa, cơ hồ như mẹ vẫn ở yên đó từ lúc tôi ra đi ban sáng. Dù
mẹ chẳng hề thốt một lời trách cứ, hình ảnh ấy khiến tôi cảm thấy mình có lỗi. Tuy
nhiên, tôi vẫn không sao buộc được mình giãi bày cùng mẹ những ý nghĩ sâu kín
tận đáy lòng tôi.
Từ những gì quan sát được, tôi hiểu dường như một
người vợ thường hồi phục lại sau nỗi đau mất chồng và đúng một lúc nào đó mẹ sẽ
nắm lấy việc coi sóc cửa nhà. Nhưng điều ấy không giống với trường hợp của mẹ.
Mẹ thực sự lúc nào cũng đang sống trong một thế giới khác, và tôi mừng là mẹ đã
không tự sát. Mẹ chỉ nói về bố và kinh sợ cuộc sống tương lai. Thường, những
khi thương thân xót phận, mẹ lại bảo: “Người góa chồng gọi là vị vong nhân, tức
là kẻ chưa chết.”
“Phải chăng mình sẽ không bao giờ có thể chuyển hướng
tư tưởng cho mẹ khỏi nghĩ mãi về bố?” Tôi thường băn khoăn tự hỏi thế trong vô
vọng. Tình hình lại càng tệ hại hơn khi anh tôi bị công ty thuyên chuyển đến
thành phố Toyohashi
ở phía tây nước Nhật. Mẹ chỉ còn có tôi bên cạnh. Tôi cố làm mẹ vui lòng khi
mang về nhà những quà bánh mua bằng tiền lương tôi dạy học ngoài giờ. Một hôm
tôi mua về một ít mực, vì mực rán là món mẹ ưa thích. Mẹ bảo: “Mẹ đã quyết định
bỏ ăn mực rán bởi vì bố từng thích ăn thứ này.”
Mẹ quả thực không thể nói được một điều gì mà lại
không nhắc tới bố. Tôi òa khóc: “Cứ mãi than vãn về cái chết của bố cũng đâu
giúp mẹ vui hơn được. Mẹ phải nhận ra rằng bố không còn ở với mẹ con mình nữa.
Mẹ phải nhìn về tương lai chứ!”
Mẹ trả lời: “Với con thì được, vì con còn trẻ. Nhưng
bố con là tất cả những gì mẹ có được trên đời. Tại sao con cứ cằn nhằn mẹ? Con
muốn mẹ làm gì nào?”
Tuy nhiên tôi không chịu buông trôi những cố gắng
nhằm thay đổi quan niệm sống của mẹ. Xuân năm sau, may thay, một tập thơ của mẹ
và năm người bạn in chung đoạt được một giải thưởng, và sẽ có buổi tiệc đón
mừng. Một hôm, trước buổi tiệc không xa, tôi về nhà khi mẹ đang xỏ thử bộ trang
phục dự định sẽ mặc trong dịp ấy.
Tôi thốt lên: “Mẹ mặc mới đẹp làm sao!” Nhìn mẹ, lòng
tôi không khỏi day dứt. Bố luôn luôn hãnh diện có được người vợ xinh đẹp với
nước da tươi sáng. Giá mà bố còn trên đời, tôi chắc chắn rằng bố sẽ xoay xở để
quơ quào đủ tiền mà sắm ngay nữ trang tặng mẹ cho xứng với bộ trang phục mới
này. Ờ, tại sao mình lại không thể thay bố mua tặng mẹ món gì đó?
Nhưng chỉ còn mười hôm nữa là liên hoan rồi, mà tôi
vỏn vẹn chỉ đủ tiền sắm một mặt dây chuyền xoàng xỉnh hay một chuỗi ngọc trai
giả tầm thường. Tuy nhiên tôi nhận thức rằng tôi nhất định phải mua tặng mẹ một
chuỗi ngọc trai hồng loại tốt, và tôi muốn mẹ đeo nó trong khi mẹ hãy còn trẻ
trung xinh đẹp. Nhưng làm sao đây?
Sau khi nghĩ nát óc, cuối cùng tôi quyết định viết
một bức thư cho ông chủ hiệu buôn ngọc trai Mikimoto. Tôi lý luận rằng để tặng
những viên ngọc trai tốt nhất, tôi phải mua chúng ở cửa hàng tốt nhất nước Nhật
và ông Mikimoto sẽ hiểu được cảnh ngộ của tôi. Tôi viết: “Mẹ cháu phải dự tiệc
chúc mừng một tập thơ được giải thưởng. Vì cháu hầu như tin chắc rằng nếu bố
cháu còn sống, người sẽ tặng mẹ cháu một chuỗi ngọc trai, nên cháu muốn mua
tặng mẹ cháu một chuỗi. Có điều cháu không đủ tiền. Liệu cháu có thể mua trả
góp một chuỗi ngọc trai ở cửa hàng của bác không? Nếu cháu đợi để dành cho đủ
tiền, thì sẽ quá trễ buổi tiệc ấy. Vả lại, cháu muốn tặng mẹ chuỗi ngọc trong
khi mẹ cháu hãy còn trẻ đẹp. Xin bác tha thứ cho cháu đã đường đột viết thư
này. Cháu mong rằng bác sẽ rộng lượng chấp nhận ước muốn của cháu.”
Ba ngày sau, tôi nhận một lá thư được phát chuyển
theo thể thức đặc biệt. Ông Yoshitaka Mikimoto đích thân viết tay những dòng
này: “Bác nghĩ rằng khi cháu ước muốn thay mặt bố tặng quà cho mẹ thì đây là
một việc làm tốt đẹp. Bác tin chắc rằng người ta nên trao tặng nhau ngọc trai
với một con tim yêu thương. Cháu hãy cầm thư này đến cửa hàng của bác ở phố Ginza và chỉ việc đưa thư cho một trong các nhân viên bán
hàng ở đó. Người ấy sẽ bán cho cháu cái món cháu muốn mua trả góp.”
Tôi bay bổng lên mây! Dù trời sắp tối và dù đang mặc
quần đen, áo ấm lèng xèng, tôi đã chạy ùa ra khỏi nhà và đi thẳng một mạch tới
cửa hàng thời trang Mikimoto. Lọt giữa những khách hàng Nhật và ngoại kiều sang
trọng quý phái, tôi có phần nào ngượng ngùng và ngập ngừng trao thư cho một
người trông có vẻ như quản lý cửa hàng.
Ông ta bảo: “À, phải
rồi. Tôi đã được dặn là chờ cô đến. Cô thích loại chuỗi gì?” Ông nói trịnh
trọng, nhưng ánh mắt rất tử tế.
“Chuỗi ngọc trai
hồng giá thấp nhất là bao nhiêu ạ?”
“Mười ngàn yen.”
Cuối cùng, chỉ vào
một chuỗi ngọc trai màu hồng, tôi nói: “Cháu muốn mua chuỗi này.” Dù nhỏ, những
viên ngọc rất đẹp, và tôi không sao rời mắt khỏi chúng. Vâng, đây đúng là thứ
tôi muốn. Cách nay nhiều năm, trong lúc hãy còn ở tiểu học, tôi được dạy rằng
ngọc trai màu hồng là thứ tốt nhất. Hồng cũng là màu hết sức hợp với nước da
của mẹ.
“Chúng tôi tính cho
cô chín ngàn yen. Cô trả góp trong ba tháng được không?”
Điều ấy còn hơn cả
những gì tôi mong đợi, và tôi rối rít cám ơn ông ta. Nhìn ông đặt những viên
ngọc trai vào chiếc hộp lót nhung đỏ, tôi mừng muốn xỉu.
Tôi cố hết sức dằn
lòng che giấu cảm xúc của mình đợi cho đến ngày cuối. Tôi chờ mẹ ăn mặc tề
chỉnh rồi mới chìa cái hộp ra, và nói: “Sao mẹ không đeo thứ này?” Có rất nhiều
điều tôi muốn nói với mẹ nhưng tôi chỉ có thể trao cho mẹ lá thư của ông
Mikimoto và bước ra khỏi phòng.
Mấy phút sau tôi trở
lại, mẹ đang nắm chặt lá thư trong tay và lặng lẽ khóc. Thế rồi mẹ cất lá thư
vào nơi thờ Phật của gia đình và chỉ đến khi làm xong việc ấy mẹ mới đeo chuỗi
ngọc.
Tôi kêu lên: “Trông
mẹ quyến rũ cực kỳ!” Mẹ mỉm cười ngượng ngập.
“Giá mà biết trước
sẽ đeo chuỗi ngọc trai thì mẹ đã mặc chiếc đầm rộng cổ rồi.” Mẹ nói vậy và cất
tiếng cười vui vẻ. Đã lâu lắm tôi mới được nghe mẹ cười sung sướng như thế.
Mẹ nói tiếp: “Cảm ơn
con nhiều lắm, Katsura yêu quý. Lúc này mẹ rất sung sướng.” Mẹ cứ nói đi
nói lại mãi câu ấy.
Từ hôm đó trở đi, mẹ thực sự trở thành mẹ của tôi.
Đồng ý là thỉnh thoảng mẹ có than thở về việc bố qua đời nhưng giờ đây mẹ biết
rằng mẹ có tôi bên cạnh. Mẹ không chỉ là mẹ mà còn là bạn. Mẹ tìm thấy niềm vui
để sống cũng như để yêu thương con gái mẹ.
Cho đến bây giờ tôi chưa hề nhìn thấy vật gì đẹp cho
bằng chuỗi ngọc trai màu hồng. Nó là phép nhiệm mầu đã chữa lành nỗi đau ngăn
cách giữa mẹ và tôi. Và vì lý do ấy tôi chưa bao giờ hỏi mượn mẹ xâu chuỗi để
đeo, ngay cả khi tôi làm đám cưới. Tôi muốn mẹ biết rằng tôi sắm chuỗi ngọc ấy
chỉ vì tôi muốn làm mẹ được vui.
Tôi thường tự hỏi không biết ông Mikimoto có còn nhớ
rằng lòng nhân từ của ông đã khiến cho một cô gái nhỏ rất đỗi hạnh phúc. Chắc
chắn trong thư ông đã nói lên sự thật rằng ngọc trai có ý nghĩa khi được trao
tặng với một con tim yêu thương. Và theo ý nghĩa đó, đối với tôi dường như xâu
chuỗi của mẹ mới đúng là chuỗi ngọc trai đẹp nhất trên đời.
Huệ
Khải
06-5-1999
Theo Katsura
Morimura, The Pearl
Necklace, 1974.